29.5.11

Nga nhảy vào Libya, vì sao?

Thi thể bé Mohsin Ali Sheikh, một tuổi rưỡi,
chuẩn bị được đưa đi chôn cất ở Misrata ngày 27-5.
Em thiệt mạng trong cuộc giao tranh giữa phe nổi
dậy và phe ủng hộ ông Gaddafi - Ảnh: AFP

Thay vì tiếp tục “ngồi bên bờ rào” nhìn Libya chống trả các cuộc không kích ngày càng dữ dội của NATO gần ba tháng qua, Nga đã chính thức đứng sang phía liên quân quốc tế Anh và Pháp, sau khi Tổng thống Medvedev tuyên bố “thế giới không còn xem ông Gaddafi là nhà lãnh đạo Libya nữa" tại hội nghị G8 ở Deauville, Pháp.

Nga là nước cho đến nay vẫn từ chối ủng hộ Mỹ và Pháp đòi ông Gaddafi phải ra đi, là nước ngay từ đầu đã bỏ phiếu trắng chống lại nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép liên minh quốc tế không kích Libya.

Tổng thống Nga Medvedev đã ký tuyên bố chung G8 khẳng định nhà lãnh đạo Gaddafi “đã mất hết tính hợp pháp”, và Nga sẵn sàng làm “trung gian” trong cuộc xung đột này cũng như sẽ lập tức gửi đặc sứ đến Benghazi, cứ điểm của phe nổi dậy ở phía đông Libya.

Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (CNT) của phe nổi dậy ở Libya, ông Mustapha Abdeljalil, tuyên bố hoan nghênh lập trường của Nga, nhưng nhấn mạnh vai trò của Nga trong các vấn đề quốc tế cần phải được diễn ra trong “một lợi ích hỗ tương và tôn trọng chung”.

Tờ The Australian bình luận động thái của Nga đã khiến cả Phố Downing và Nhà Trắng vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên, sau một thời gian Nga giữ quan điểm miễn cưỡng để cuộc không kích diễn ra và vẫn chỉ trích quyết định tấn công Libya của NATO là vượt quá thẩm quyền.

Sự thay đổi của Nga - nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - chắc chắn là một nỗi thất vọng lớn cho chính quyền Gaddafi vì mới trước đó hai ngày, hôm 27-5, tại Tripoli, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaim không tin Nga sẽ thay đổi quan điểm về Libya mà bước chân sang phía NATO.

“Chúng tôi không nghĩ Nga sẽ đu dây sang phía NATO” - ông Kaim tuyên bố và cho biết sẽ liên lạc với Nga để nghe rõ ràng hơn về quan điểm của Nga. Ông Kaim tỏ ra “bất cần” khi tuyên bố: “G8 là một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế. Những quyết định của nó chẳng ăn nhập gì đến chúng tôi”. Đồng thời ông tuyên bố bác bỏ vai trò trung gian của Nga, khẳng định rõ là Tripoli không chấp nhận bất cứ trung gian hòa giải nào bên ngoài kế hoạch hòa bình của Liên minh châu Phi (AU).

Vì sao Nga lại thay đổi quan điểm bất ngờ như vậy? Nga có mối quan hệ thương mại khổng lồ với Libya, đặc biệt là về vũ khí. Chỉ riêng giá trị vũ khí Nga bán cho Libya đã khoảng 4 tỉ USD. Nhưng gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy Nga bắt đầu đặt cửa vào lực lượng nổi dậy Libya khi tính toán tới lợi ích của mình trong bối cảnh NATO đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch không kích ở Libya.

Tại Deauville, Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa kêu gọi sự ra đi của ông Gaddafi và lưu ý liên minh quốc tế “sắp kết thúc nhiệm vụ” tại Libya. Thủ tướng Anh D. Cameron cũng tuyên bố các chiến dịch của NATO tại Libya đã bước vào “một giai đoạn mới”. Và việc Paris, London đang gửi đến Libya các loại trực thăng chiến đấu có khả năng nhắm mục tiêu chính xác hơn trong môi trường đô thị là dấu hiệu cho thấy quyết tâm thúc đẩy nhanh các chiến dịch quân sự tiếp cận hơn với mặt đất.

Truyền thông Nga cho biết để có được cái gật đầu của Nga thì phương Tây đã phải đưa ra một loạt sáng kiến theo kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”. Mỹ hứa sẽ hỗ trợ cho việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm nay. Pháp ký thỏa thuận bán cho Nga bốn chiếc tàu đổ bộ Mistral của hải quân Pháp sớm trước hai năm, một thỏa thuận mua sắm vũ khí từ nước ngoài lớn nhất của Nga để hiện đại hóa quân đội kể từ khi Liên Xô tan vỡ.

Học giả Vladimir Isayev ở Matxcơva nói với Đài Tiếng nói nước Nga sở dĩ G8 để Nga làm trung gian vì Nga là nước duy nhất trong nhóm mà hình ảnh chính trị chưa bị tổn hại kể từ cuộc xung đột ở Libya, và như vậy dễ lôi kéo ông Gaddafi ngồi vào bàn đàm phán hơn so với những nước mà ông ta gọi là “những kẻ giết đồng bào mình”. Nhưng ông Vladimir Isayev cảnh báo với sứ mệnh trung gian, Nga cũng đang đánh cược hình ảnh của mình.

Trong khi đó, Mikhail V. Margelov, đặc sứ của Nga tại Trung Đông và châu Phi, đã được lệnh tới căn cứ của lực lượng nổi dậy ở Benghazi, và đưa hai nước Qatar, Saudi Arabia vào danh sách các nước có thể cho ông Gaddafi tị nạn. “G8 đã đưa ra nhiều khả năng cho tương lai của ông Gaddafi, từ cuộc sống yên tĩnh giản dị trên sa mạc Libya, hay như số phận của Milosevic ở Tòa án The Hague”.

Nga có được vai trò trung gian, như ông Margelov nhìn nhận, là vì lính Nga chưa bao giờ chiến đấu chống lại các nước châu Phi và người châu Phi. Hiện Nga vẫn còn sứ quán ở Tripoli và duy trì quan hệ với lực lượng thân cận nhất của ông Gaddafi trong khi phát triển quan hệ với lực lượng nổi dậy.


Khổng Loan
(Báo Tuổi Trẻ, 30.5.2011)

Trung Quốc cố tình đánh lừa dư luận

Tàu hải giám 84 - thủ phạm xâm nhập vùng biển VN
và phá hoại tàu Bình Minh 02

Biến khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, Trung Quốc đang cố tình đánh lừa dư luận. Đó là thông điệp từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hôm 29.5 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao VN đã tổ chức một cuộc họp báo nhằm cung cấp thông tin cho báo chí và nêu rõ quan điểm của VN về vụ việc diễn ra hôm 26.5 khi 3 tàu hải giám của Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền VN và phá hoại tàu thăm dò của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết: VN kiên quyết phản đối hành động của phía TQ phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của VN trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn dầu khí quốc gia VN. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và TQ năm 2002 cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước VN và TQ. VN yêu cầu phía TQ chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía VN.

Bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Trung Quốc

Báo Quân đội Nhân dân: Ngày 28.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Khương Du đã có phát biểu cho rằng việc VN tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng biển do TQ quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của TQ tại biển Đông. Phía TQ cũng cho rằng những việc mà các cơ quan hữu quan của nước này thực hiện là hoàn toàn tuân thủ luật biển, và các hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc chủ quyền pháp lý của TQ. TQ cũng khẳng định rằng luôn nỗ lực duy trì hòa bình trên biển Đông. Xin cho biết phản ứng của VN về tuyên bố này?

Bà Nguyễn Phương Nga: Trước hết tôi xin nhấn mạnh rằng Việt Nam hoàn toàn bác bỏ tuyên bố ngày 28.5.2011 của phía TQ. Cần làm rõ một số điểm như sau:

Trước hết, khu vực mà VN tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của VN theo Công ước Luật Biển 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do TQ quản lý. Phía TQ đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.

Thứ hai là, VN luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Tuy nhiên cũng cần phải nói rõ rằng không có nhận thức chung nào nói rằng TQ có quyền cản trở các hoạt động của VN tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Chính hành động này của TQ đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. TQ kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng các biện pháp hòa bình nhưng chính hành động của TQ đang làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông.

Báo VietNamNet: Lãnh đạo TQ đã nhiều lần khẳng định TQ chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp và dù lớn mạnh đến đâu cũng không “xưng bá”. Sự việc này có phải cho thấy thái độ sô-vanh nước lớn của TQ hay không?

Bà Nguyễn Phương Nga: Chúng tôi mong rằng TQ, là một nước lớn, thì sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn và thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo cấp cao TQ.

Báo Financial Times: Đại diện PVN có nói về việc đe dọa sử dụng vũ lực của TQ, xin nói rõ hơn về vấn đề này. Thời điểm đó không rõ hai bên có liên lạc trực tiếp với nhau không ? Đánh giá cụ thể về đe dọa sử dụng vũ lực này như thế nào?

Ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN: Trong khi tàu TQ tiến vào gần và cắt cáp thì tất cả các yêu cầu và cố gắng liên lạc của tàu Bình Minh 02 với tàu TQ đều đã không được phía TQ trả lời. Tuy nhiên, sau khi cắt cáp của tàu Bình Minh 02 thì tàu TQ đã lên tiếng khẳng định rằng tàu của VN đang vi phạm lãnh hải của TQ và yêu cầu tàu của VN rời khỏi khu vực này. Những người trên tàu Bình Minh 02 còn nghe rõ giọng đó là của một phụ nữ. Tuy nhiên rất tiếc chúng tôi không có bản ghi âm ở đây.

Hãng tin Bloomberg: Xin cho biết định mức mà VN yêu cầu TQ bồi thường? VN sẽ kiện phía TQ bồi thường như thế nào?

Lao Động: Mức thiệt hại của PVN trong vụ việc này và những ảnh hưởng đến hoạt động của PVN?

Ông Đỗ Văn Hậu: Có hai dạng thiệt hại mà tàu TQ đã gây ra. Thứ nhất là làm hỏng các phương tiện, thiết bị khảo sát địa chấn mà trong trường hợp này là cắt đứt cáp địa chấn, làm hỏng hệ thống thu tín hiệu địa chấn của tàu Bình Minh 02. Thiệt hại quan trọng nữa là chúng tôi phải dừng hoạt động lại hai ngày để nối lại các thiết bị bị hỏng, thay thế các thiết bị mới để tiếp tục tiến hành công việc và sau đây chúng tôi sẽ phải dành nhiều thời gian để sửa chữa lại các thiết bị hỏng. Chúng tôi hiện đang đánh giá mức độ thiệt hại và sẽ có báo cáo chi tiết về vấn đề này.

Ngoài các thiệt hại đã nêu, PVN đã ký rất nhiều các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dầu khí với nhiều nhà đầu tư nước ngoài trên thềm lục địa của VN, kể cả ở khu vực chúng tôi vừa đang khảo sát. Đây hoàn toàn không phải vùng tranh chấp. Chắc chắn sự kiện này sẽ làm ảnh hưởng đến chủ trương, tâm lý và các hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều biết rằng các hoạt động của Petro Vietnam và của họ tại các khu vực đã ký kết là hoàn toàn nằm trên vùng thuộc chủ quyền của VN.

Nhiều lần phá hoại

Báo Thanh Niên: Có thông tin là tàu TQ đã nhiều lần cản trở các hoạt động của các tàu VN và tàu TQ đã nhiều lần cắt cáp của các tàu thăm dò nước ngoài do VN thuê để khảo sát khu vực thềm lục địa của VN, xin đại diện PVN cung cấp thông tin cụ thể?

Ông Đỗ Văn Hậu: Hoạt động dầu khí của VN trải dài từ vịnh Bắc Bộ xuống tận mũi Cà Mau và các vùng mà TQ đã nhiều lần vi phạm nằm ở một số khu vực mà chúng ta gọi là “nhạy cảm”. Các hoạt động của PVN gồm hoạt động khảo sát địa chấn, khảo sát công trình, khoan và rất nhiều hoạt động này đã bị các tàu TQ đến gần hoặc bay khảo sát (tức dùng máy bay tuần thám biển của TQ theo dõi - chú thích của TN) hoặc cho tàu vào gần để quấy nhiễu. Đã từng có trường hợp họ cắt cáp. Và tất cả các trường hợp này đã được VN đưa ra những phản đối mạnh mẽ nhất đối với phía TQ.

Báo Tuổi Trẻ: Gần đây TQ đã có gia tăng hành động gây hấn, va chạm không chỉ với VN mà còn với một số nước khác như Philippines. Liệu có thể hiểu đây là những hành động nhằm biến biển Đông thành “ao nhà” của TQ với đường yêu sách 9 đoạn hay không?

Ông Nguyễn Duy Chiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao: Một điều hết sức rõ ràng là đường yêu sách 9 đoạn của TQ trên biển Đông hay còn gọi là yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế nào cả. Nó trái với Công ước Luật Biển 1982 mà TQ là một thành viên. Yêu sách này đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có VN và đã bị nhiều nước phản đối. Việc TQ đang tìm cách thực hiện đường yêu sách 9 đoạn này trên thực tế rõ ràng đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Báo Financial Times: Sau sự việc này, liệu Hải quân VN có tăng cường tuần tra để bảo vệ các tàu VN hoạt động trong khu vực thuộc chủ quyền của VN?

Bà Nguyễn Phương Nga: Chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ. Hải quân VN sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.


Nguyên Phong
(Báo Thanh Niên, 30.5.2011)

Trung Quốc gây bất ổn trên biển Đông

Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở biển Đông hồi tháng 11.2010
- Ảnh: Chinanews.com

Nguy cơ bất ổn vẫn chực chờ trên biển Đông do các hành động “phô trương cơ bắp” của Trung Quốc dưới cái lốt “trỗi dậy hòa bình”.

Một điều rất rõ ràng: căng thẳng ở biển Đông hiện nay chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc, xoay quanh các hành động quân sự và bán quân sự (thông qua các tàu ngư chính, hải giám... được cho là có trang bị vũ khí) của nước này. Đây là nhận định của ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ). Đúng là có nhiều nước tham gia tranh chấp chủ quyền trong khu vực nhưng đa số các vụ gây hấn, chặn bắt tàu, ngăn cản các hoạt động thăm dò dầu khí đều do phía Trung Quốc gây ra, ông Lohman viết trên website Heritage.org. Cũng không có bên nào trong khu vực đưa ra những tuyên bố, bản đồ ngang ngược và phi lý như đường lưỡi bò của Bắc Kinh.

Ngày 3.5, phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ gửi công hàm đến TTK LHQ khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Động thái này nhằm nêu ý kiến về công hàm gửi ngày 14.4 của phái đoàn thường trực tại LHQ của Trung Quốc trong đó một lần nữa thể hiện yêu sách đường lưỡi bò. Bắc Kinh viện dẫn những đạo luật biển của chính mình để tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa rồi lồng ghép một cách lập lờ các khái niệm như Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vùng biển tiếp giáp, thềm lục địa... nhằm chiếm trọn 80% diện tích biển Đông trong đường lưỡi bò. Tờ Japan Times dẫn lời chuyên gia Michael Richardson của Viện Đông Nam Á học (Singapore) nhận định: “Theo luật quốc tế hiện hành thì các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông không hề có cơ sở nào”.

Như nhiều chuyên gia nhận định, một trong những lý do khiến Trung Quốc ngày càng “hung hăng” trong vấn đề biển Đông là nhằm đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí tại đây. Hồi tháng 4, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng tải chuyên đề về biển Đông và gọi vùng biển này là “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Tờ báo dẫn lời ông Trương Đại Vĩ, quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, nói việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là “chìa khóa” để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc. Trong thời gian qua, tàu Trung Quốc cũng tăng cường quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực mà việc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam hôm 26.5 là ví dụ mới nhất. Hải quân và không quân Trung Quốc cũng đang tăng cường khả năng và khí tài để thể hiện sức mạnh trong khu vực và bảo vệ các dự án năng lượng ngoài khơi của Bắc Kinh, theo Japan Times.

Ngoài ra, còn có nhiều thông tin không chính thức về việc chính quyền Bắc Kinh gây sức ép lên các tập đoàn dầu khí quốc tế muốn hợp tác khai thác với các nước tiếp giáp với biển Đông. Tại diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương mang tên Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore hồi tháng 6.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Washington phản đối hành vi “ăn hiếp” các công ty hoạt động ở biển Đông, theo Bloomberg.

Đến nay, các nước đã có phản ứng khá mạnh mỗi khi bị quấy rối trên biển Đông. Điển hình là vụ Philippines đưa máy bay chiến đấu và tàu hải quân chặn tàu Trung Quốc hồi tháng 3. Trước đó, vào cuối tháng 4.2010, máy bay và tàu chiến Malaysia và 3 tàu ngư chính của Trung Quốc “vờn nhau” trong nhiều giờ nhưng không có đụng độ, theo Đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hồng Kông. Giới quan sát nhận định, tình trạng biển Đông “dậy sóng” sẽ được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La 2011, dự kiến diễn ra từ ngày 3-5.6 tại Singapore. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ tham dự diễn đàn năm nay.


Trọng Kha
(Báo Thanh Niên, 30.5.2011)

Trung Quốc với mưu đồ khai thác dầu khí ở biển Đông

Những gây hấn gần đây nhất của Trung Quốc với Philippines và Việt Nam có thể cho thấy mưu đồ của nước này với nguồn tài nguyên ở dưới lòng biển Đông.

Lộ diện mưu đồ

Năm 2011, Công ty Khai thác dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã chính thức công bố trên trang web của tập đoàn này lộ trình khai thác 19 lô dầu khí trên khu vực rộng hơn 52.000km2 ở biển Đông, trong đó có 12 lô ở khu vực đông biển Đông và 7 lô ở khu vực phía tây biển Đông. CNOOC đã đưa ra đề xuất sẽ cùng hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới ở các vỉa dầu này. Năm 2010, CNOOC từng đưa ra đề nghị tương tự với 13 lô dầu khai thác cũng ở biển Đông.

Để thực hiện tham vọng bá chủ nguồn tài nguyên ở biển Đông, ngày 23-5-2011, CNOOC đã tiếp nhận giàn khoan CNOOC 981, một giàn khoan khổng lồ đã được xưởng đóng tàu của Thượng Hải bàn giao để đưa vào phục vụ khai thác dầu khí trên biển Đông. Nhân Dân Nhật Báo cho biết giàn khoan CNOOC 981 có kích thước bằng một sân bóng đá với số tiền đầu tư lên đến 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD) và có khả năng khai thác ở độ sâu 3.000m dưới biển, công suất lớn gấp sáu lần các giàn khoan hiện có của Trung Quốc.

Ông Vương Nghi Lâm, chủ tịch CNOOC, cho biết giàn khoan trên sẽ được lắp đặt ở biển Đông và đưa vào vận hành vào tháng 7-2011. Nhân Dân Nhật Báo cho rằng biển Đông là một trong những vùng sản xuất dầu và khí đốt quan trọng nhất của CNOOC.

Kế hoạch khai thác dầu ở biển Đông đã được Trung Quốc hoạch định từ rất lâu, đến năm 2011, như tuyên bố của nước này, đây là năm sẽ đẩy mạnh mọi hoạt động khai thác dầu của họ trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.

Biển Đông - vịnh Ba Tư thứ hai

Trung Quốc từng ví biển Đông là một vịnh Ba Tư thứ hai. Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng đây là nơi chứa đựng 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ m3 khí, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí mà Trung Quốc có.

Đó chính là lý do mà Trung Quốc phải tìm kiếm và khai thác tài nguyên ở biển Đông để thỏa mãn cơn khát năng lượng của chính họ, Thời Báo Hoàn Cầu số ngày 19-4 cho biết. Để hỗ trợ cho tham vọng này, Trung Quốc không ngừng tăng cường hoạt động hải quân trên khắp biển Đông, tăng cường nhiều trang thiết bị, vũ khí và tập huấn nhân sự để bảo vệ các công ty năng lượng Trung Quốc hoạt động.

Ông Michael Richardson, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng tham vọng trong chính sách năng lượng của Bắc Kinh có thể làm phức tạp hơn mối quan hệ của nước này với các nước Đông Nam Á cũng như với Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.


(Báo Tuổi Trẻ, 30.5.2011)

28.5.11

Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Ngày 27-5, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết sáng 26-5, một tốp tàu hải giám của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, xâm nhập, cản trở và gây thiệt hại đối với tàu Bình Minh 02 của PVN đang hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực thềm lục địa Việt Nam.

Theo PVN, thực hiện kế hoạch thăm dò năm 2011 của PVN, tàu Bình Minh 02 của Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (thuộc PVN) đã khảo sát tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 thuộc thềm lục địa miền Trung. Việc khảo sát này được Bình Minh 02 tiến hành hai đợt, đợt một vào năm 2010 và đợt hai từ ngày 17-3. Theo PVN, việc khảo sát diễn ra bình thường và Bình Minh 02 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhưng đến sáng 26-5 nhóm tàu Trung Quốc đã đến ngăn cản và gây thiệt hại.



Tàu hải giám số 84 của Trung Quốc - Ảnh: TTXVN


3 tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập trái phép

Vụ việc diễn ra sáng sớm 26-5. Khoảng 5g05, rađa trên tàu Bình Minh 02 phát hiện tàu lạ di chuyển với tốc độ rất nhanh để tiếp cận mà không hề ra tín hiệu cảnh báo. Chỉ sau 5 phút, hai tàu nữa cùng xuất hiện hỗ trợ. Khi tàu lạ đến gần, tàu Bình Minh 02 phát hiện đó là tàu hải giám của Trung Quốc. Tàu Bình Minh 02 đã chủ động hạ thấp thiết bị thăm dò trước tốc độ di chuyển của các tàu Trung Quốc để tránh thiệt hại nhưng không vì thế mà các tàu hải giám dừng lại.

Khoảng 50 phút sau, đến 5g58, các tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy thẳng đến gần tàu Bình Minh 02, tiếp cận khu vực thả dây cáp và có hành động cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục uy hiếp tàu thăm dò của Việt Nam và ra thông báo tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-5, ông Đỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc PVN, xác nhận thông tin ba tàu hải giám của Trung Quốc cản trở tàu Bình Minh 02 và cho biết khu vực tàu Trung Quốc ngăn cản trái phép tàu Bình Minh 02 ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa, điểm gần nhất cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) chỉ 116 hải lý.

Vị trí tàu Bình Minh 02 khi bị quấy rối là ở tọa độ 12O48’25’’ Bắc, 111O26’48’’ Đông. Ông Hậu khẳng định tất cả các lô mà tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Sau khi tàu Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền Trung Quốc, ông Hậu cho biết tàu Bình Minh 02 đã cương quyết bác bỏ luận điệu này. Song khi Bình Minh 02 tiếp tục công việc của mình đã bị ba tàu Trung Quốc cản trở.

Đến tận 9g ngày 26-5, ba tàu Trung Quốc mới chịu rút khỏi khu vực chủ quyền Việt Nam. Các tàu bảo vệ và tàu Bình Minh 02 đã phải dừng việc khảo sát trong ngày 26-5 thu lại các thiết bị hỏng để sửa chữa. Theo ông Đỗ Văn Hậu, PVN và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã chỉ đạo tàu Bình Minh 02 sửa thiết bị tại chỗ chứ không rút về và tới 6g ngày 27-5, tàu này đã hoạt động trở lại bình thường.

Theo ông Hậu, mức độ thiệt hại mà tàu hải giám Trung Quốc gây ra cho PVN là lớn. Hơn nữa, việc tàu hải giám của Trung Quốc vào rất sâu lãnh hải Việt Nam để phá hoại thiết bị, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của PVN là hành động hết sức ngang ngược và táo tợn, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc.

PVN cũng khẳng định công việc khảo sát địa chấn tại khu vực vừa xảy ra hoạt động phá hoại của ba tàu Trung Quốc sẽ vẫn được tiến hành bình thường vì đây là khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. PVN sẽ có biện pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo hoạt động cho tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.

Thực tiễn và pháp lý đều chứng minh chủ quyền Việt Nam

Theo cuốn Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam của Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam, chiếu theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có diện tích biển trên 1 triệu km2, chiếm 30% diện tích biển Đông (cả biển Đông có diện tích gần 3,5 triệu km2).

Theo quy định xác định và bảo vệ chủ quyền, biển Việt Nam có các vùng: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mũi Đại Lãnh và 10 đảo ven bờ như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Nhạn (Kiên Giang), Hòn Đá Lẻ (Cà Mau), Cồn Cỏ (Quảng Trị) được Việt Nam lấy làm điểm mốc để lập đường cơ sở ven bờ lục địa.

Bên trong đường cơ sở này là vùng nội thủy, được coi như lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam, đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối. Từ đường cơ sở ra ngoài 12 hải lý là vùng lãnh hải của Việt Nam, Việt Nam cũng được thực hiện chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn với vùng trời, đáy biển và lòng đất khu vực này.

Tiếp sau vùng lãnh hải ra ngoài 12 hải lý là vùng tiếp giáp lãnh hải. Từ vùng này trở vào, Chính phủ Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh, quyền lợi về hải quan, thuế, đảm bảo sự tôn trọng về y tế, di cư, nhập cư.

Theo Bộ tư lệnh hải quân, vùng đặc quyền kinh tế tiếp liền sau vùng tiếp giáp lãnh hải và tính từ đường cơ sở ra 200 hải lý. Như vậy, tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ 116 hải lý là đã vào tận khu vực giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, Bộ tư lệnh hải quân cho rằng Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, đáy biển và trong lòng đất, đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế.

Việc Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền tại khu vực biển phía Đông tỉnh Khánh Hòa, cách rất xa Trung Quốc, là hoàn toàn phi lý và ngang ngược.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại

Ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đại diện của bộ đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận lúc 5g58 ngày 26-5, trong khi tàu Bình Minh 02 của PVN đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị ba tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12O48’25” Bắc và 111O26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.


Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)


Nhật ký tàu Bình Minh 02 (trích)

...5g05 ngày 26-5: phát hiện một tàu không có tên trên rađa - có thể là tàu hải quân của Trung Quốc - đang tiến về khu vực khảo sát, thuyền trưởng đã cố gắng liên lạc liên tục với tàu này nhưng không nhận được trả lời nào.

5g10: phát hiện thêm hai tàu, không có tên hiển thị trên rađa - đang tăng tốc hướng về phía khu vực khảo sát.

5g20: ba tàu không mang tên trên rađa, không nhận trả lời tàu Bình Minh 02 vẫn tăng tốc độ tiến về phía tàu khảo sát Bình Minh 02.

5g27: streamer (dây cáp thu tín hiệu địa chấn) được điều khiển chìm sâu xuống 30m để tránh ảnh hưởng khi tàu Trung Quốc đi qua.

5g58: tàu Trung Quốc mang phiên hiệu China Marine Surveylang đã cắt đứt streamer tại vị trí Bird (thiết bị giữ cân bằng cáp địa chấn) số 06, khoảng 1/3 cáp địa chấn.

6g02: tàu bảo vệ Đông Nam 02 được điều động tăng tốc hết máy về phía phao đuôi để bảo vệ phao đuôi. Cố gắng giữ liên kết với phao đuôi tránh tuột mất đoạn streamer bị cắt đứt (khoảng > 2/3 chiều dài cáp địa chấn = 6km).

6g05: nhận được chỉ đạo của ban giám đốc cố gắng theo giữ đoạn streamer bị đứt, nhanh chóng thu đoạn cáp còn lại lên tàu. Đoạn streamer bị đứt sẽ được hai tàu bảo vệ neo và kéo khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc. Lúc này ba tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục bao vây tàu Bình Minh 02 mặc dù thuyền trưởng liên lạc liên tục với ba tàu này nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Vị trí tàu Bình Minh 02 lúc 6g10 ngày 26-5 là: 12O45.98 N, 111O27.608 E.

6g45: tàu Trung Quốc liên lạc lại với tàu Bình Minh 02. Thông báo tàu mình đã vi phạm chủ quyền khảo sát trên lãnh hải Trung Quốc. Yêu cầu tàu Bình Minh 02 lập tức rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng trả lời khẳng định đây là khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời hợp tác từ ba tàu Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc vẫn thông báo tàu Bình Minh 02 phải rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng vẫn khẳng định lại tàu Bình Minh 02 hoạt động trên lãnh hải Việt Nam và bị tàu Trung Quốc cắt đứt thiết bị khảo sát lúc 5g58 ngày 26-5. Tàu Bình Minh 02 phải thu lại thiết bị khảo sát đã bị cắt đứt. Tàu Trung Quốc không có câu trả lời lại.

7g00: ban giám đốc chỉ đạo cố gắng dùng tàu bảo vệ kéo đoạn streamer bị đứt rời khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc, đảm bảo an toàn cho nhân sự làm việc trên tàu Bình Minh 02 và ba tàu bảo vệ. Đồng thời đảm bảo cho streamer không bị chìm sâu thêm và trôi dạt nhiều.

9g15: tàu không thể mạo hiểm quay lại tiếp tục cuộc khảo sát vì ba tàu Trung Quốc vẫn tuần tiễu quanh khu vực đó, sẵn sàng cắt streamer hoặc có biện pháp mạnh hơn...

Tàu địa chấn 2D được hoán cải từ tàu cá

mang tên Pavlovsk hệ Atlantic 333. Tàu có kết cấu tốt, được trang bị vỏ cứng và dày, tuổi thọ cao, bảo đảm hoạt động dài ngày với mọi điều kiện thời tiết trên tất cả các vùng biển, kể cả điều kiện băng giá. Tàu được thay máy chính năm 2003 và đại tu tháng 2-2006. Tàu dài 62,26m, rộng 13,82m.

Toàn bộ các thiết bị địa chấn của tàu được trang bị mới 100% từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Sercel (Pháp), Seamap (Mỹ), Quest (Anh)... với công nghệ và cấu hình chuẩn hiện nay.

Ngày 19-3-2009, tàu địa chấn 2D đã được nhà thầu Nordic Maritime bàn giao cho Tổng công ty Khai thác dầu khí sau khi chạy thử thành công và được chính thức mang tên Bình Minh 02.




Tổng đội hải giám Trung Quốc

Ngày 5-5-2011, Trung Quốc chính thức thành lập chi đội Tây Nam Trung Sa trực thuộc Tổng đội hải giám Nam Hải để đưa vào tuần tra trên biển Đông.

Tính đến nay, tổng đội hải giám Nam Hải (đơn vị có nhiệm vụ tuần sát biển của Trung Quốc) có 3 chi đội và 10 đại đội.

Ông Lý Lập Tân - giám đốc Sở hải dương Nam Hải - cho biết Tổng đội hải giám Nam Hải Trung Quốc hiện có 13 tàu tuần tra và ba trực thăng. Trong đó có chiếc hải giám 84 vừa được hạ thủy ngày 8-5, sau đó đưa ngay vào đội tàu tuần tra của nước này trên khu vực biển Đông.

Tàu đánh cá Trung Quốc tràn sang vùng biển Việt Nam

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết sáng 27-5, sau khi nhận được điện từ Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng thông báo việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh thông báo cho tất cả tàu thuyền Phú Yên đang hoạt động trên biển nắm tình hình trên, nếu phát hiện diễn biến mới liên quan thì báo ngay cho bộ đội biên phòng qua hệ thống liên lạc trên biển.

19g tối 27-5, tại trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng (thuộc đồn biên phòng 352 Bộ đội biên phòng Phú Yên), thượng úy Nguyễn Ngọc Ry - đội phó đội kiểm soát hành chính của trạm - mở máy bộ đàm để tiếp nhận thông tin từ các ngư dân Phú Yên đang đánh bắt trên biển. Qua điện đàm, ông Trần Văn Hùng (37 tuổi, ở P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuyền trưởng tàu câu cá ngừ PY92618TS, cho biết tàu của ông đang đánh bắt ở vị trí thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng xung quanh tàu ông có gần 30 chiếc tàu làm nghề chụp mực của ngư dân Trung Quốc.

“Tàu tôi đánh bắt ở khu vực này khoảng bốn ngày nay, ngày nào cũng gặp rắc rối với các tàu chụp mực của Trung Quốc. Khoảng 10g tối là mình kéo câu, nhưng đề nghị họ kéo dàn neo để tàu mình qua thì họ không chịu. Mỗi khi tàu mình chạy đến gần là họ xông ra dùng dao rựa, mã tấu hăm dọa, đòi đánh, chém. Có khi họ gọi vài chục chiếc khác đến uy hiếp tàu mình. Hành động của họ thật ngang ngược. Chúng tôi thật sự gặp khó khăn khi đánh bắt ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước mình” - ông Hùng nói qua bộ đàm.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trung, 26 tuổi, cũng ở P.6, TP Tuy Hòa, đang điều khiển tàu PY2836TS đánh bắt gần vùng biển tàu ông Hùng, cho biết: “Ở vùng biển từ 9-17 độ vĩ Bắc, 111-115 độ kinh Đông hiện nay dày đặc tàu của ngư dân Trung Quốc hành nghề, có ngày lên đến vài trăm chiếc. Ban đêm họ chong dàn đèn sáng đến 15 hải lý, chụp sạch mực một vùng rộng lớn, làm ngư dân chúng tôi không còn mực để câu, thiếu thứ làm mồi để câu cá ngừ đại dương. Do vậy, sản lượng đánh bắt của anh em chúng tôi gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi mong cấp trên đấu tranh để bảo vệ chủ quyền vùng biển, bảo vệ ngư dân Việt Nam làm ăn trên biển”.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry cho hay qua điện đàm với các ngư dân, bộ đội biên phòng cũng đã báo cáo lên cấp trên phản đối việc tàu cá Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển Việt Nam. “Chúng tôi thật sự lo lắng và xót xa cho ngư dân của mình. Do vậy, ngư trường của bà con bây giờ hẹp dần, việc đánh bắt hết sức khó khăn” - thượng úy Ry nói. Ngư dân cho hay thời gian gần đây, Trung Quốc đưa khoảng 20 tàu hải quân thường xuyên kiểm soát gần vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, ngăn chặn không cho ngư dân Việt Nam hành nghề.

Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982

Việc Trung Quốc cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 là vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Hồi 5g58 sáng ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khi đang thăm dò địa chấn tại lô 148 trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc lao vào cắt cáp (7km cáp bị cắt), làm hỏng một số thiết bị của tàu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến kế hoạch công tác của Tập Đoàn dầu khí Việt Nam tại khu vực này.

Lô 148 hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý. Khác với tình hình trong Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Xin lưu ý là địa điểm tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp ngày 26-5-2011 cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Do đó, việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam vào sáng ngày 26-5-2011 đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 nhưng hành động này của Trung Quốc lại hoàn toàn trái với nghĩa vụ của mình theo Công ước này.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc đã quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo Điều 76 của Công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852m). Chiều rộng này được bảo đảm tuyệt đối kể cả khi ở trên thực tế rìa ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý.

Còn nếu rìa ngoài của thềm lục địa thực tế của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia đó có quyền mở rộng phạm vi thềm lục địa đến 350 hải lý theo đúng các quy định của Công ước (cụ thể là các quốc gia liên quan phải gửi Báo cáo quốc gia đến Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc để Ủy ban này xem xét và ra khuyến nghị).

Về quy chế pháp lý của thềm lục địa, Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Họ có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở trong thềm lục địa của mình. Các tài nguyên thiên nhiên này bao gồm tài nguyên khoáng sản và tài nguyên phi sinh vật khác ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Các quốc gia ven biển cũng có quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình ở thềm lục địa của mình. Cách thức thực hiện quyền chủ quyền này hoàn toàn do các quốc gia ven biển quyết định. Có khi các quốc gia này tự mình tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa. Có khi các quốc gia ven biển cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thăm dò và khai thác.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc là một điều ước quốc tế nên một khi đã tham gia Công ước này, các quốc gia ven biển phải chấp nhận sự ràng buộc của Công ước. Điều này có nghĩa là đồng thời với việc hưởng các quyền chủ quyền đôí với thềm lục địa của mình, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên khác đối với thềm lục địa của họ. Quyền và nghĩa vụ phải song hành với nhau. Không thể chỉ hưởng thụ các quyền mà bỏ qua nghĩa vụ tương ứng. Đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống.

Yêu cầu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế không phải là ngoại lệ của Công ước Luật Biển năm 1982 mà chính là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Đó là nguyên tắc "pacta sun servanda" đã được pháp điển hóa trong Công ước năm 1969 của Liên hợp quốc về Luật Điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Yêu cầu này cũng chính là một nghĩa vụ của 192 thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này.

Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Đoạn 4 trong Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã tái khẳng định điều này.

Thực hiện quyền chủ quyền theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, từ những năm 80 của thế kỷ XX Nhà nước Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của mình. Hiện nay, hàng chục công ty dầu khí từ nhiều nước khác nhau trên thế giới (Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Canada, Úc, Singapore v.v…) đang hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam để thăm dò, khai thác tại các lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam. Việc làm này của Việt Nam là hết sức bình thường. Các quốc gia khác ven Biển Đông như Trung Quốc, Phillippines, Indonesia, Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia cũng đang thăm dò, khai thác thềm lục địa của mình.

Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã long trọng ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). Việc Trung Quốc cho tàu vũ trang cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02, phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam cũng đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố này.

Theo DOC, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực. Trong nhiều Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, viết tắt là COC).

Tóm lại, xét từ góc độ pháp lý quốc tế, đến góc độ chính trị cũng như góc độ quan hệ láng giềng thân thiện, việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011 hoàn toàn không thể biện minh được. Điều rõ ràng là, dù vì bất kỳ lý do gì và với bất kỳ động cơ gì, thì việc làm nói trên của Trung Quốc cũng hoàn toàn không có lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, không phù hợp với nỗ lực thúc đẩy thực hiện toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, và cũng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.


(Báo Tuổi Trẻ ngày 28.5.2011)

Hải quân Mỹ chế tạo siêu vũ khí

Theo Đô đốc hải quân Mỹ Gary Roughead, binh chủng của ông sẽ được trang bị đại bác laser có thể làm chảy thép trong vài giây, tàu tuần tra dưới nước hoạt động liên tục 60-70 ngày, tàu ngầm và trực thăng chiến đấu không người lái… trong vài năm tới.


Đại bác laser có thể đánh chặn tên lửa hoặc bắn hạ máy bay
trong chớp mắt Ảnh: Dvice.


Ông Roughead đã chỉ đạo các nhà khoa học công tác tại Phòng Nghiên cứu Hải quân của Hải quân Mỹ nghiên cứu sâu về công nghệ laser để chế tạo ra súng đại bác bắn đạn năng lượng điện từ với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (trong không khí khô ở nhiệt độ 20 độ C, vận tốc âm thanh là 343,2 m/s, tương đương 1.236 km/h), làm nóng chảy lớp thép dày trong vòng vài giây. Các nhà khoa học nói rằng, đến năm 2020, tàu chiến Mỹ có thể được trang bị đại bác laser có năng lượng ở mức kilowatt, thậm chí megawatt.

Theo ông Roughead, việc phát triển đại bác laser cho tàu chiến, đặc biệt là hàng không mẫu hạm trị giá hàng tỉ USD, rất hữu ích vì tàu có thể đến gần bờ biển hoặc tàu đối phương mà không bị tên lửa địch bắn hạ. Đại bác laser chỉ cần gắn vào máy phát điện của tàu, không phải nạp đạn nên dễ dàng đánh chặn tên lửa đang bay tới.

Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc mới đây thông báo kế hoạch hoàn thành việc chuyển giao tên lửa thế hệ mới có tầm bắn 4.000 km cho quân đội Trung Quốc trong năm 2015. Loại tên lửa này có thể tiêu diệt từ xa mục tiêu trên đất liền, trên không, trên biển, trong đó có tàu sân bay.

Về máy bay không người lái, Hải quân Mỹ coi trọng nhất loại máy bay chiến đấu X47B bay thử hồi tháng 2 và có thể được sử dụng rộng rãi từ năm 2018. X47B có thể hạ cánh, cất cánh từ tàu sân bay. “Không gì khiến tôi phấn khích hơn loại máy bay không người lái này”, Đô đốc Roughead nói.

Ngoài ra, BAMS, một loại máy bay giám sát tầm xa, sẽ phục vụ Hải quân Mỹ từ năm 2015. Fire Scout, loại trực thăng không người lái tương tự của Mỹ, có nhiều bộ cảm biến cũng như camera đã được sử dụng để theo dõi những kẻ buôn lậu ma túy ở châu Mỹ Latin và mới đây hoạt động trên chiến trường Afghanistan.


Hải quân Mỹ đang phát triển tàu ngầm không người lái Manta
để thu thập thông tin tình báo Ảnh: Xray Mag.


Về tàu ngầm, ông Roughead nói rằng, Hải quân Mỹ nên có loại tàu hoạt động dưới nước trong vòng 60-70 ngày, được phóng đi từ tàu chiến đấu ven biển hoặc tàu khu trục, bơi khoảng 13.000 km mà không phải quay lại tàu mẹ. Loại tàu ngầm không người lái này được lắp nhiều loại vũ khí hoặc bộ cảm biến, có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, rà phá thủy lôi, tấn công tàu có người lái của đối phương…

Tàu ngầm không người lái của Hải quân Mỹ hiện nay chủ yếu được dùng để gỡ thủy lôi và hoạt động trong cự ly ngắn (tối đa 222 km). Columbia Group, một nhà thầu quốc phòng Mỹ, đã thử nghiệm một số tàu ngầm không người lái, nhưng hệ thống đẩy và năng lượng của chúng chưa đáp ứng mong muốn của Đô đốc Roughead.


Thái An
(theo Wired, Global Times - báo Tiền Phong)

10.5.11

“Siêu chiến binh” đặc nhiệm: Bản lĩnh “gà chiến” Gaulois

Từ khi Bộ chỉ huy Chiến dịch đặc biệt ra đời năm 1992, đặc nhiệm Pháp ngày càng được phát huy.

Các lực lượng đặc nhiệm của Pháp hoạt động khá bài bản từ sau Thế chiến 2 nhưng mỗi đội thuộc sự quản lý của một binh chủng khác nhau, khá độc lập và hầu như không phối hợp tác chiến. Nhận thấy hạn chế này, sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, đô đốc Jacques Lanxade và Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy Pierre Joxe lên kế hoạch thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch đặc biệt (COS). COS quản lý toàn bộ các lực lượng đặc nhiệm của Pháp và chịu sự điều động trực tiếp từ Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Lựa chọn thứ 3 của tổng thống

Tờ Le Point nhận định với sự ra đời của COS, các Tổng thống Pháp có trong tay 3 lựa chọn khi cần giải pháp quân sự: lựa chọn “nặng ký” nhất là sử dụng vũ khí hạt nhân, thứ hai là sử dụng quân đội truyền thống và lựa chọn cho những trường hợp “nhạy cảm” là sử dụng đặc nhiệm.

Ngay sau ngày thành lập, COS trở thành một lực lượng không thể thiếu và tham gia hầu hết các trận tuyến của quân đội Pháp. Các biệt kích COS có mặt tại Chiến dịch Turquoise nhằm lập lại trật tự ở Rwanda sau các vụ thảm sát đầu thập niên 1990, trinh sát tại Afghanistan, giải cứu con tin trên tàu Ponant bị cướp biển Somalia khống chế cuối tháng 4.2008 và gần đây nhất là giúp sơ tán dân thường và nhân viên một số đại sứ quán khi thành phố Abidjan của Bờ Biển Ngà chìm trong bạo động…

Biệt kích người nhái Hubert của hải quân Pháp
- Ảnh: Netmarine.net

Trong một lần gặp gỡ các hạ nghị sĩ, tướng Benoît Puga cho biết khác với đặc nhiệm Mỹ hay Anh, COS không thực hiện các nhiệm vụ “ngầm”. Các biệt kích có thể hoạt động bí mật nhưng không thay tên đổi họ, không sử dụng nhân thân giả. Lực lượng đặc nhiệm có thể xem là thành phần thứ 4 của quân đội Pháp, bên cạnh lục quân, hải quân và không quân. Pháp cũng được NATO công nhận vai trò chỉ huy cùng Anh và Mỹ trong các chiến dịch do các lực lượng đặc nhiệm của tổ chức này phối hợp tiến hành. Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc gia, COS còn gửi người sang một số nước để hỗ trợ huấn luyện biệt kích.

Bay thấp và nhảy cao

Các đội đặc nhiệm của COS nhìn chung đều có khả năng hành động ở mọi trận địa trong điều kiện khó khăn nhất. Theo tờ Le Point, các phi công đặc nhiệm thường xuyên luyện tập lái máy bay vận chuyển quân sự Transall C160 ban đêm ở độ cao cực thấp, có khi chưa đến 60m, sau đó lại đáp xuống những phi trường đã đóng cửa, hầu như không mở đèn. Trong khi đó, ban ngày họ lại lái lên độ cao đến 8.000m để các đồng đội tập luyện nhảy dù.

Chương trình huấn luyện của đặc nhiệm Pháp được đánh giá là nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, có thể sánh với SAS của Anh hay SEAL của Mỹ. Điều kiện thể lực là quan trọng nhưng tính kiên nhẫn, trầm tĩnh và sự bền bỉ là yếu tố không thể thiếu để trở thành “siêu chiến binh” của COS. Tờ Le Point dẫn lời đại tá Christophe Rastouil cho biết: “Chúng tôi sẽ không giữ lại những học viên có biểu hiện cực đoan. Họ đều phải trải qua các cuộc kiểm tra tâm lý và những ai hướng nội hay hướng ngoại thái quá đều bị loại. Những người được chọn phải có nhân phẩm tốt, biết cách thích nghi với những điều kiện văn hóa, xã hội khác nhau như một điều kiện căn bản trước khi đối đầu với những thử thách khắc nghiệt khi lâm trận”.

Trong số các đội đặc nhiệm của COS, nổi tiếng được đào tạo khắt khe nhất là thành viên của Biệt kích Hải quân. Lực lượng này được chia thành 5 biệt đội chuyên chống khủng bố, trinh sát, đột kích bằng đường biển, phá hủy mục tiêu tầm xa…, và biệt đội người nhái Hubert. Từ 500 học viên đăng ký vào trường Hải quân, 45 người có thể học tiếp chương trình biệt kích và chỉ khoảng 30 người được tuyển chọn vào Biệt kích Hải quân.

Tuy nhiên, dù đã trụ lại được sau 20 tuần khổ luyện và được cấp chứng nhận nhưng các “siêu chiến binh” vẫn không ngừng rèn luyện để vượt qua các kỳ thường xuyên.

Riêng với biệt đội người nhái Hubert, binh sĩ phải là thành viên của một trong 5 biệt đội khác của Biệt kích Hải quân ít nhất 5 năm mới có thể đăng ký thi tuyển. Nếu đủ bản lĩnh vượt qua 2 tuần kiểm tra các kỹ năng và được chọn, các ứng viên sẽ được huấn luyện bơi lặn trong 7 tháng.

Một điểm đặc biệt khác của Biệt kích Hải quân Pháp là để thăng cấp bậc mới, các binh sĩ phải trải qua một khóa huấn luyện phù hợp với vị trí chỉ huy, thử thách và gian nan không kém gì đợt khổ luyện đầu vào. Nhiều sĩ quan thuộc lực lượng đặc nhiệm này từng trải qua đến 4 khóa huấn luyện trước khi được giao nắm các trọng trách.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(Báo Thanh Niên, 11.5.2011)

>> “Siêu chiến binh” đặc nhiệm: Khuôn mẫu của biệt kích hiện đại
>>
“Siêu chiến binh” đặc nhiệm: Tinh nhuệ của tinh nhuệ

“Siêu chiến binh” đặc nhiệm: Khuôn mẫu của biệt kích hiện đại

Là một trong những đội ngũ tinh nhuệ nhất thế giới, lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh được huấn luyện và tổ chức cực kỳ bài bản.

Quân đội Anh hiện có nhiều lực lượng đặc nhiệm nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Special Air Service (SAS). Thành lập từ năm 1942, SAS được nhiều chuyên gia quân sự xem là hình mẫu đầu tiên của một đội biệt kích thời hiện đại. Đến nay, một số lực lượng đặc nhiệm trên thế giới vẫn được xây dựng theo mô hình của SAS.

Trong một hội thảo do Bộ Quốc phòng Pháp tổ chức, GS Anthony Clayton của Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst (Anh) cho biết nhiệm vụ chủ yếu của các lực lượng đặc nhiệm Anh thường không ở tiền tuyến. Các “siêu chiến binh” phải xâm nhập những khu vực do phe đối phương kiểm soát để thăm dò tin tức, tổ chức tấn công các mục tiêu trọng yếu. Phần lớn đều là các nhiệm vụ chớp nhoáng.

Biệt kích SAS trong một đợt huấn luyện giải cứu
con tin - Ảnh: Eliteukforces.info

Chiến dịch Nimrod

Sau Thế chiến 2, SAS gần như bị giải tán để sáp nhập vào các đơn vị khác của quân đội Anh, chỉ còn lại vài trung đoàn cốt yếu. Danh tiếng lẫy lừng của SAS đến nay là từ Trung đoàn 22, thành lập năm 1951.

Trung đoàn 22 được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn và đã là hạt nhân chính trong nhiều chiến dịch quân sự của Anh, theo tờ Le Point. Tại cuộc chiến với Argentina năm 1982 do tranh chấp chủ quyền quần đảo Falkland (Argentina gọi là Malvinas), 60 lính biệt kích của Trung đoàn 22 đã phá hủy các tên lửa chống tăng của Argentina trước khi quân đội Anh đổ bộ. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, lực lượng này tiến sâu vào các trận địa thực hiện “tâm lý chiến”, tạo ấn tượng rằng các toán quân của LHQ rất hùng hậu.

Chiến công được biết đến nhiều nhất của SAS là chiến dịch Nimrod giúp giải thoát các nhân viên Đại sứ quán Iran tại London sau 6 ngày bị một nhóm khủng bố Ả Rập bắt làm con tin vào tháng 4.1980. Các biệt kích bắn hạ 5 tên khủng bố, bắt giữ 1 tên mà hầu như không chịu thương vong nặng nề nào. Tất cả con tin đều được giải thoát an toàn. Toàn bộ chiến dịch đã được các đài truyền hình quay và phát lại, góp phần đưa SAS trở thành một huyền thoại.

Để tích lũy thêm kinh nghiệm, hiện SAS vẫn thường xuyên gửi người tới những nước xảy ra các vụ bắt giữ con tin để thu thập dữ liệu, phân tích hoặc cố vấn cho chính quyền sở tại.

Huấn luyện khắc nghiệt

Cơ sở huấn luyện của SAS ở thành phố miền tây Hereford. Theo GS Clayton, học viên được đào tạo các kỹ năng cần thiết để hành động chớp nhoáng và hạn chế tối thiểu thương vong. Trung đoàn 22 của SAS được chia thành 4 biệt đội A, B, D và G với khoảng 90 thành viên/đội. Tại mỗi biệt đội lại chia thành các đơn vị chuyên sử dụng xe mô tô phân khối lớn, nhảy dù hoặc hành động ở địa hình biển đảo, sông ngòi, đồi núi.

Chương trình huấn luyện chia thành nhiều chủ đề khác nhau như: Special Project Teams chuyên chống buôn lậu ma túy hay truy lùng các tội phạm chiến tranh; Counter Revolutionary Wing chuyên chống khủng bố. Nhóm này lại được chia thành 2 phần riêng biệt là Body Guard nhằm bảo vệ an toàn cho cộng đồng, đặc biệt là Hoàng gia Anh và Close Quarter Battle giúp huấn luyện khả năng hành động bên trong các tòa nhà.

Thành viên của SAS là các sĩ quan và binh sĩ trong quân đội Anh, được tuyển chọn gắt gao qua quá trình huấn luyện và kiểm tra cực kỳ khắc nghiệt. Phần lớn các “siêu chiến binh” ở độ tuổi 28-32. Để được chính thức trở thành thành viên của SAS, các ứng viên phải chứng tỏ được sự kiên nhẫn, thể lực và kỹ năng chiến đấu. Trong phần huấn luyện thể lực, ở bài kiểm tra cuối cùng, các biệt kích tương lai phải vượt qua 64 km đường nhiều chướng ngại vật với ba lô nặng 25 kg và một khẩu súng trường trong thời gian dưới 20 giờ. Tổng cộng trong giai đoạn huấn luyện thể lực, các thí sinh phải đi bộ hơn 445 km trong vòng 4 tuần. Sau đó, họ phải “lăn lê, bò trườn” trong vòng 6 tuần tại các khu rừng nhiệt đới ở châu Á để rèn luyện kỹ năng sống sót.

Một chương trình “khó nuốt” không kém là 4 tuần tập huấn Survival, Evasion, Resistance and Extraction (SERE, tạm dịch “sống sót, lẩn tránh, cầm cự và rút lui”). Trong đó, các thí sinh sẽ bị thẩm vấn trong suốt 24 giờ mà không được hé lộ bất cứ điều gì ngoài tên, ngày sinh, cấp bậc.

--

Ngoài các “siêu chiến binh”, SAS còn có 4 đội kỹ thuật đặc biệt bao gồm các bác sĩ “phản ứng nhanh” có thể phẫu thuật khẩn cấp tại chiến trường, chuyên gia về chất nổ, các nhà ngôn ngữ học có khả năng học cấp tốc những phần cơ bản của một thứ tiếng lạ và các chuyên gia liên lạc có thể xử lý các loại sóng thông tin của nhiều nước.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(Báo Thanh Niên, 10.5.2011)

>> “Siêu chiến binh” đặc nhiệm

Đua nhau sắm tàu sân bay

Dù còn có nhiều tranh cãi về chi phí cũng như tính hiệu quả của tàu sân bay, song hải quân các nước vẫn tiếp tục bổ sung “các căn cứ quân sự nổi” này với một tốc độ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chiến đấu cơ Rafale được nạp tên lửa trên tàu sân bay
Charles de Gaulle của Pháp ngày 27-3. Chi phí cho
mỗi giờ hoạt động của tàu sân bay hiện là 50.000 euro,
chi phí mỗi giờ bay của Rafale là 40.000 euro...
Sau hơn một tháng rưỡi tham chiến ở Libya, nước Pháp
đã mất 50 triệu euro - Ảnh: Reuters

Các chuyên gia quân sự vẫn còn tranh cãi về vấn đề sử dụng tàu sân bay. “Những gì mà các quốc gia không nhận ra là nhiệm vụ duy trì hoạt động các tàu sân bay rất phức tạp và tốn kém nhiều chi phí” - nhà phân tích quân sự Mỹ Nate Hughes nhận định. Còn nhà nghiên cứu quân sự Benjamin Frideman nhận định: “Những công nghệ vũ khí quân sự hiện đại có thể tìm diệt các tàu sân bay dễ dàng, thậm chí từ khoảng cách rất xa. Công nghệ tàu sân bay sẽ không thể tồn tại được trong vài thập kỷ tới”.

Nhưng đó là nhận định của các chuyên gia, còn thực tế các quốc gia vẫn đua nhau phô trương sức mạnh bằng các căn cứ quân sự di động trên biển ngày càng hiện đại hơn.

“Tất cả chỉ để phô trương sức mạnh quân sự” - theo chuẩn đô đốc Philippe Coindreau, chỉ huy hạm đội Pháp đang tham gia chiến dịch không kích vào Libya. Tuy nhiên, “tàu sân bay rất thích hợp cho các cuộc xung đột” - ông Coindreau phân tích khi trả lời phỏng vấn AP trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle có trọng tải 42.000 tấn.

Lee Willett, người đứng đầu chương trình nghiên cứu hàng hải ở Viện Quân sự thống nhất hoàng gia (Anh), cho biết cuộc chiến ở Libya minh họa cho sự hữu ích của các tàu sân bay để giải quyết xung đột trong khu vực. Pháp, Ý và các nước NATO rất gần với bờ biển Bắc Phi, chọn cách triển khai các tàu sân bay mặc dù các nước này có căn cứ không quân ở những vị trí rất thuận lợi để can thiệp quân sự ở Libya.

“Ở khắp nơi trên thế giới, phần lớn các lực lượng hải quân đều mong muốn có được sức mạnh không quân trên biển. Những nước này không muốn trở thành các cường quốc trên thế giới nhưng họ lại muốn thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực” - ông Willett cho biết thêm.

Tàu sân bay ngày nay cũng được nhìn theo góc độ mới về trách nhiệm mà nó đảm nhiệm. Để tiến hành những cuộc đổ bộ thì hải quân rất cần một tàu sân bay đa chức năng, hay một căn cứ không quân trên biển. Nghĩa là các tàu này không những làm sân bay cho các máy bay quân sự mà còn có thể vận chuyển được vũ khí, nhiều phương tiện phục vụ chiến tranh khác.

Chẳng hạn, Mỹ có tám tàu sân bay 41.000 tấn, mỗi tàu sân bay có khả năng chuyên chở rất nhiều máy bay và quân lính để tiến hành những cuộc đổ bộ quân sự. Tàu sân bay Mistral (Pháp), HMS Ocean (Anh) và Juan Carlos I (Tây Ban Nha) cùng có chung một đặc điểm là tàu sân bay đa năng vì chúng có thể chuyên chở các máy bay không kích, trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ để tiến hành những cuộc đổ bộ quân sự.

“Tàu sân bay còn có thể phục vụ nhiều mục đích chứ không riêng gì mục đích chiến tranh”, theo Nate Hughes. Vì thế hải quân Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng siêu tàu sân bay Gerald R. Ford, với chi phí lên đến khoảng 9 tỉ USD. Nhiều thành viên NATO cũng đang ráo riết chuẩn bị đóng thêm. Anh hiện đang đóng hai tàu sân bay, còn Pháp đang cân nhắc đóng thêm một tàu sân bay thứ hai. Ý và Tây Ban Nha vừa mới cho ra lò hai tàu sân bay.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang trong quá trình thu thập và tân trang những tàu sân bay của Nga. Ấn Độ hiện đang đóng một tàu quân sự tại chính nước này. Nga sẽ tân trang tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào năm tới để kéo dài tuổi thọ tàu đến năm 2030, và lên kế hoạch mua tàu sân bay của Pháp. “Hải quân các nước BRIC (Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc) nói chung đang đầu tư nhiều vào các tàu sân bay” - theo ông Willett.

Thời Báo Toàn Cầu của Trung Quốc đăng tải kết quả khảo sát cho thấy 80% người dân Trung Quốc tin rằng tàu sân bay Varyag (hay còn gọi là Thi Lang) sẽ trở thành đòn bẩy hữu hiệu gia tăng sức mạnh quân sự và khả năng phòng thủ trên biển.

Duy Phúc
(Báo Tuổi Trẻ, 10.5.2011)

9.5.11

Nguy cơ "hạ cánh" của F-35 Lightning II

Khác với những tính toán ban đầu, chiếc máy bay tiêm kích đa năng F-35 Lightning II ngày càng đòi hỏi chi phí nhiều hơn. Đây là thông tin mới nhất mà phía Mỹ vừa đưa ra.

Tổng chi phí tăng

Chiếc F-35 Lightning II được Mỹ thiết kế với quan điểm là nó phải có giá thành và giá bán rẻ hơn so với chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 là F-22 Raptor. Tuy thế, theo thời gian, F-35 ngày càng đòi hỏi chi phí tài chính nhiều hơn. Theo đánh giá mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, để vận hành 2.443 chiếc F-35 trong vòng 30 năm cần đến 1.000 tỉ USD.

Đánh giá nêu trên được nhóm nghiên cứu độc lập thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành và gửi cho Quốc hội Mỹ ngày 15.4.2011. Các nhà phân tích đã đưa ra bảng so sánh chi phí vận hành loại F-35 cùng các loại tiêm kích khác như F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet và AV-8B Harrier. 1.000 tỉ USD chỉ là chi phí vận hành, còn để mua 2.443 chiếc F-35 còn phải chi 382 tỉ USD nữa.



F-35 Lightning II - Ảnh: Reuters


Theo các nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, mỗi chiếc F-35 có thể thực hiện 8.000 giờ bay. Với mỗi binh chủng như không quân, hải quân, thủy quân lục chiến đều có thiết kế riêng chiếc F-35 cho phù hợp với yêu cầu. Dự kiến chiếc tiêm kích cuối cùng loại này sẽ được bàn giao cho quân đội vào năm 2035.

Bên cạnh đó, không lực và hải quân Mỹ đang dự kiến vào năm 2016 sẽ tiếp nhận những chiếc F-35 đầu tiên. Như vậy là sớm hơn 2 năm trước khi hoàn tất việc thiết kế, thử nghiệm và chính thức sản xuất hàng loạt F-35. Điều này đồng nghĩa với thời hạn vận hành chiếc F-35 sẽ là từ năm 2016 đến năm 2046. Trong năm nay, cơ sở quân sự Eglin, bang Florida sẽ tiếp nhận 20 chiếc F-35 và như vậy đến năm 2040 những chiếc tiêm kích này sẽ đến thời hạn "nghỉ hưu".

Một trong những nguyên nhân khiến chi phí tài chính của chiếc F-35 cao theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ là do trong quá trình vận hành nó có một số chi tiết mau hư hỏng hơn các loại tiêm kích khác. Ngoài ra, chi phí một giờ bay cũng cao hơn. Nhưng tại sao một chiếc tiêm kích hiện đại như thế lại thường xuyên hư hỏng hơn loại tiêm kích cũ, lạc hậu hơn như F-16 hay AV-8B thì phía Mỹ không giải thích. Giá một giờ bay cũng không được thông báo cụ thể.

Theo lời Phó đô đốc David Venlet, lãnh đạo chương trình F-35, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ giảm chi phí thiết kế, sản xuất và vận hành chiếc tiêm kích này. Bên cạnh đó, David Venlet nhấn mạnh, đánh giá 1.000 tỉ USD nêu trên chưa chính xác và chưa phải là con số cuối cùng. Bởi, F-35 chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm nên tính toán chi phí một giờ bay là chưa thể. Ngoài ra, thiết kế của nó thường có những thay đổi nhỏ nên dự báo tuổi thọ các linh kiện cũng không chính xác. Cần nhắc lại rằng, vào năm 2009, thời gian vận hành F-35 trong 30 năm khi đó tính toán chỉ mất 915 tỉ USD.

Chi phí vận hành tăng

Hiện chi phí vận hành chiếc F-35 cả Bộ Quốc phòng, cả Quốc hội Mỹ chưa chính thức khẳng định. Con số 1.000 tỉ USD là do hãng Bloomberg dẫn nguồn tin từ báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Bên cạnh đó, vào ngày 22.4.2011 trong cuộc tọa đàm với Phó đô đốc David Venlet, các nguồn thông tin lại đưa ra chi phí vận hành F-35 không giống với đánh giá của Bộ Quốc phòng và Cục Thanh tra (GAO) Mỹ. Theo website Flightglobal, chi phí vận hành là 442 tỉ USD vào năm 2002 (549,04 tỉ vào năm 2011). Trang web này khẳng định đây là con số mà ông David Venlet đưa ra ngày 22.4.2011. Như vậy nếu tính cả 382 tỉ USD để mua 2.443 chiếc F-35 và 56 tỉ chi phí thiết kế thì tổng chi phí sẽ là 987 tỉ USD cho toàn bộ chương trình.

Về phía mình, hãng Reuters tham dự cuộc tọa đàm cho rằng, chi phí vận hành F-35 là 443 tỉ USD (nhưng không nói rõ đó là tính theo năm nào). Tựu trung cả Bloomberg, Flightglobal và Reuters đều có những tính toán sai lệch ở một điểm nào đó.

Trước đó, vào tháng 5.2009, GAO đánh giá chi phí mua 2.456 chiếc F-35 (không phải 2.443 chiếc như Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến) tiêu tốn 300 tỉ USD. Còn chi phí vận hành (kể cả bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, nâng cấp) là 760 tỉ USD. Giờ đây chi phí mua F-35 đã tăng từ 300 lên 382 tỉ USD và như thế các chi phí khác cũng sẽ tăng.

Lãnh đạo không quân thuộc hạm đội Mỹ cho biết con số cụ thể hơn. Chẳng hạn một giờ bay của F-35 là 30,7 nghìn USD (một giờ bay của F/A-18 hay AV-8B xấp xỉ 19 nghìn USD). Như vậy, nếu mỗi chiếc F-35 thực hiện 8.000 giờ bay thì chi phí vận hành cho 2.443 chiếc F-35 sẽ là 600 tỉ USD. Còn nếu tính cả bảo dưỡng, nâng cấp, số tiền sẽ tăng vào khoảng 800 - 900 tỉ USD.

Giá bán tăng

Chương trình F-35 bắt đầu khởi động vào năm 1996 dưới tên gọi Joint Strike Fighter (JSF), nhưng chỉ thực sự tiến hành vào năm 2001 khi mà hãng Lockheed Martin ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ. F-35 dự kiến sẽ thay thế cho các loại tiêm kích đang lạc hậu là F-16, A-10 Thunderbolt II, F/A-18 Hornet (không tính Super Hornet) và AV-8B. Và được kỳ vọng sẽ rẻ hơn chương trình F-22 Raptor.

Theo đánh giá của GAO, toàn bộ chương trình thiết kế và mua F-22 chỉ là 77,4 tỉ USD (giá một chiếc F-22 vào năm 2010 là 411,7 triệu USD). Không lực Mỹ đã nhận 166/187 chiếc F-22 đặt hàng. Số còn lại sẽ được hoàn tất trong vòng vài năm tới. Vào tháng 7.2009, lãnh đạo không lực Mỹ thông báo, một giờ bay của F-22 tiêu tốn 44 nghìn USD. Cũng vào thời điểm này, GAO cho biết giá F-35 là 115,5 triệu USD/chiếc (năm 2008 là 101,7 triệu USD). Với chi phí ngày một tăng cao, GAO dự báo vào năm 2016, trung bình giá bán của 1 chiếc F-35 sẽ là 142,5 triệu USD. Cụ thể: không lực Mỹ mua loại F-35A với giá 121,4 triệu USD, hải quân Mỹ - loại F-35C với giá 145 triệu USD/chiếc, còn thủy quân lục chiến loại F-35B với giá 161 triệu USD/chiếc.

Dù vậy, vài chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, giá bán F-35 rất có thể giống trường hợp chiếc F-22. Chiếc F-22 lúc đầu bán với giá 150 triệu USD/chiếc, nhưng đến năm 2010 đã là 411,7 triệu USD/chiếc. Đó là chưa kể chiếc F-35 hiện có nhiều điểm cần khắc phục, luôn chậm trễ, không thực hiện đúng lịch trình thử nghiệm. Nếu như các sự cố luôn xảy ra và kéo dài, thì rất có thể chương trình F-35 sẽ bị đóng lại vào năm 2013.

---

Bộ Quốc phòng Mỹ đến nay vẫn chưa đưa ra chính xác tiến độ sản xuất loại F-35 vì thời hạn liên tục bị kéo dài. Theo số liệu hiện có, đến năm 2016, dự kiến quân đội Mỹ sẽ nhận bàn giao 325/2.443 chiếc đặt mua. Về lý thuyết, nếu như việc sản xuất F-35 bắt đầu từ năm 2018 và hoàn tất vào năm 2035, trung bình mỗi năm Mỹ cần sản xuất 124 chiếc.


Ngữ Tử Yên
(Báo Thanh Niên Tuần san)

“Cuộc chiến” của xe tăng Nga

Mặc dù đang là nước dẫn đầu trong xuất khẩu xe tăng trên thị trường vũ khí, nhưng thế mạnh này của Nga đang bị cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia khác. Bởi, trong một vài cuộc đấu thầu gần đây, Nga đã thất bại đầy cay đắng.

Những trái đắng đầu tiên

Vào ngày 14.4.2011, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ Nga - ông Konstantin Makienko phát biểu: Một trong những nguyên nhân khiến Nga mất vị trí số 1 trong xuất khẩu xe tăng là do trang thiết bị đang trở nên lạc hậu và không có sự mềm dẻo trong việc điều chỉnh thị trường. Xuất khẩu xe tăng Nga, trong đó chủ yếu là loại T-90 tăng trưởng trong vài năm gần đây là do nhu cầu thị trường từ Ấn Độ và Algeria. Ngoài hai quốc gia này, Nga chưa cho thấy ưu thế hơn hẳn của mình so với các đối thủ ở những nơi khác.



Loại T-90S diễu hành tại Ấn Độ - Ảnh: tank-t-90.ru


Xuất khẩu tăng của Nga trong những năm qua quả là ấn tượng. Từ năm 2006 đến 2009, theo đánh giá của Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí quốc tế, Nga bán được 482 chiếc tăng với tổng giá trị 1,57 tỉ USD. Vị trí thứ 2 thuộc về Đức với 292 chiếc (3,03 tỉ USD) và Mỹ là 209 chiếc (1,5 tỉ USD). Nhìn vào doanh số bán hàng, có thể thấy Nga chiếm ưu thế vì giá bán khá rẻ.

Dự báo sơ bộ trong những năm 2010 - 2013, lượng xuất khẩu xe tăng Nga trên thế giới sẽ tăng lên 859 chiếc, đạt tổng giá trị 2,75 tỉ USD. Đây là con số được thực hiện theo các hợp đồng quân sự giữa Nga với vài quốc gia cũng như thỏa thuận chuyển giao quyền sản xuất cho đối tác. Trong đó Ấn Độ là bạn hàng lớn nhất của Nga.

Bộ binh Ấn Độ có kế hoạch sẽ trang bị khoảng 2.000 chiếc tăng T-90. Trong đó 310 chiếc loại này Ấn Độ đã nhận theo hợp đồng được ký kết từ năm 2001. Đến năm 2007 đất nước đông dân thứ hai thế giới lại nhận thêm 347 chiếc. Còn từ năm 2014 đến năm 2019, Ấn Độ sẽ mua thêm 600 chiếc T-90S nữa.


Tăng PT-91M của Ba Lan tại Malaysia - Ảnh: klsreview.com


Về phía mình, từ năm 2006 đến 2009, thông qua Ấn Độ, Nga còn bán tăng cho Algeria, Ajerbaizan, Síp, Uganda và Turkmenistan. Những quốc gia này mua tổng cộng 413 tăng các loại T-55, T-72M1M, T-80U và T-80S. Một số tăng đã được chuyển giao cho các khách hàng này.

Sau khi kết thúc hợp đồng với Ấn Độ và Algeria, Nga hầu như sẽ không còn những khách hàng lớn, vì thế lượng xe tăng và vũ khí khí tài xuất khẩu nhiều khả năng sẽ giảm. Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng Nga khá chậm trễ trong việc thiết kế các mẫu tăng mới và cả trong nâng cấp, cải tiến các loại tăng hiện hành. Trong khi đó, các quốc gia khác rất tích cực hoàn thiện các loại tăng của Liên Xô trước đây và đang trở thành đối thủ cạnh tranh với các nhà sản xuất tăng Nga.

Theo lời ông Konstantin Makienko, ngay cả loại tăng VT1A của Trung Quốc cũng "qua mặt" chiếc T-90 để thâm nhập thị trường Ma-rốc. Bộ Quốc phòng quốc gia châu Phi này đã đặt mua của Trung Quốc 150 tăng VT1A. Quả là trái đắng đối với Nga, vì VT1A chính là chiếc tăng được cải tiến trên nền tảng loại T-72 của Nga và có tính năng tương đương với chiếc T-80UM2 của Nga.

Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực mời chào xuất khẩu loại tăng giá rẻ T96 và trong tương lai gần sẽ có thêm loại T99 thiết kế dựa trên chiếc VT1A/MBT 2000. Tựu trung, Trung Quốc hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu. Nếu muốn tăng rẻ, xin mời mua VT1A hay loại T96, còn muốn chất lượng hơn, xin mời mua T99. Tất cả đều tuân theo quy luật thị trường.

Thực tế, xe tăng Nga hiện nay vẫn đáp ứng các chuẩn hiện đại, nhưng nếu không liên tục đầu tư, loại vũ khí này sẽ lạc hậu với thời cuộc. Những tín hiệu đầu tiên như thế đã xuất hiện từ lâu. Ngoài Ma-rốc, Nga còn thua Ba Lan trong cung cấp tăng cho Malaysia. Đấy là vào năm 2002, Bộ Quốc phòng Malaysia đặt mua 48 chiếc tăng PT-91M do Ba Lan sản xuất. Đáng nói là RT-91M cũng được thiết kế dựa trên nguyên mẫu chiếc T-72.

Mới đây nhất, vào tháng 3.2011, lãnh đạo bộ binh Thái Lan đã quyết định mua 200 chiếc tăng T-84U do Ukraine sản xuất với tổng giá trị là 231,1 triệu USD. Quyết định này đưa ra sau khi Thái Lan mở cuộc đấu thầu mà trong đó có chiếc T-90S của Nga tham gia. Chiếc T-90S có tính năng vượt trội so với chiếc T-84U nhưng nó vẫn bị thua tại thị trường Thái Lan. Ngoài các yếu tố về kỹ thuật, giá bán… thì Thái Lan lâu nay đã mua vũ khí của Ukraine. Vào năm 2007, nước này mua của Ukraine 96 chiếc thiết giáp loại BTR-3E1 và đến cuối năm 2010 còn muốn mua thêm 121 chiếc nữa.


Tăng T-90A của Nga - Ảnh: topwar.ru


Cần sự bứt phá

Vào đầu năm 2011, Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga (Rosoboronexport) thông báo: Ả Rập Xê-út đang thử nghiệm các loại tăng: T-90 (Nga), Leclerc (Pháp), M1A1 Abrams (Mỹ) và Leopard 2A6 (Đức). Trong khoảng thời gian 10 ngày, các loại tăng nêu trên chạy 1.300 km trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và bắn thử các loại đạn. Kết quả là T-90 thắng, còn các loại tăng khác không hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên với khách hàng không phải là truyền thống như Ả Rập Xê-út, thì chiếc T-90 còn cần các điều kiện khác để thắng thầu. Đó là chất lượng và giá bán. Về hai điểm này chưa có loại tăng cạnh tranh nào có thể so với T-90. Thử làm phép so sánh: T-90A (loại xuất khẩu) có giá từ 2 - 2,5 triệu USD/chiếc. Rẻ hơn chỉ có chiếc VT1A (Trung Quốc) từ 1,4 - 1,8 triệu USD. Chiếc PT-91M của Ba Lan giá từ 2,7 - 3 triệu USD, còn T-84U của Ukraine từ 2,5 - 4 triệu USD. Tuy nhiên cũng tính đến chuyện nếu khách hàng mua thường xuyên và mua nhiều sẽ được giảm giá. Vì thế Thái Lan mua T-84U chỉ với giá 1,2 triệu USD/chiếc.

Trong tình thế đó, ông Konstantin Makienko cho rằng, Nga phải tạo ra những bước đột phá lớn về chất lượng. Cần phải nhanh chóng đưa hai loại T-90A và T-90AM cải tiến ra thị trường vũ khí quốc tế. Bởi đây là hai loại tăng được trang bị hệ thống nạp đạn pháo tự động, thấu kính quan sát tối tân, vỏ bọc cũng tối ưu…

Ngoài ra, hiện Nga còn có chiếc T-95, chế tạo hoàn toàn mới, từ thiết kế chỗ ngồi riêng cho ê-kíp lái, hệ thống quan sát và hệ thống điều khiển vũ khí hiện đại, động cơ mới… Tuy vậy, vào năm 2010, Bộ Quốc phòng Nga ngừng tài trợ cho chương trình này với lý do giá thành quá đắt và các giải pháp kỹ thuật là khá phức tạp.

Mặc dù vậy, ông Oleg Shilenko - Giám đốc "Uralvagonzavod", hãng chế tạo chiếc T-95 tuyên bố vẫn tiếp tục bỏ tiền của hãng này để cải tiến thêm chiếc T-95. Ông Oleg Shilenko nói: "Mọi việc đang thuận lợi hơn là khó khăn". Cũng trong năm 2010, đã có tin đồn là để thay thế chiếc T-95, một chiếc tăng mang code "Armata" sẽ được thiết kế đơn giản với giá thành rẻ hơn và vẫn kế thừa hàng loạt các yếu tố kỹ thuật của T-95. Nếu đúng như thế, "Armata" sẽ được đưa vào chương trình quốc phòng Nga từ 2011 - 2020.

Ngoài ra, còn một giải pháp mà Nga mới bắt đầu tiến hành để giữ vững thị phần xuất khẩu xe tăng nói riêng cũng như vũ khí nói chung của mình. Đó là liên doanh với một quốc gia khác để cùng thiết kế, sản xuất vũ khí. Vừa đáp ứng nhu cầu nội địa, vừa phục vụ cho xuất khẩu. Nga và Ấn Độ hiện hợp tác trong sản xuất tên lửa hành trình "BraMos" và máy bay tiêm kích FGFA. Về lý thuyết có thể hợp tác sản xuất xe tăng, xe thiết giáp, hệ thống tên lửa đạn đạo, trực thăng… Nhưng điều chính yếu là cần thực hiện nhanh chóng để chiếm lĩnh thị trường.


Ngữ Tử Yên
(Báo Thanh Niên Tuần san)

“Siêu chiến binh” đặc nhiệm

Các thành viên SEAL Đội sáu - Ảnh: US Navy

Vụ tiêu diệt Osama bin Laden cho thấy các lực lượng tinh nhuệ với khả năng hành động chớp nhoáng là “tài sản” quý giá của quân đội nhiều nước.

Sau chiến dịch đột kích tiêu diệt Osama bin Laden, người ta mới biết Mỹ đang sở hữu ít nhất một đơn vị biệt kích vô cùng bí mật, chuyên thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất. Đó chính là Đội sáu (Team Six), tên chính thức là Lực lượng Phát triển chiến tranh đặc biệt của Hải quân Mỹ (DevGru), đơn vị chọn lọc nhất của đặc nhiệm SEAL. Đây được xem là một trong những lực lượng tác chiến đặc biệt mạnh nhất và thần bí nhất thế giới.

Tinh nhuệ của tinh nhuệ

Đến nay, giới chức Mỹ vẫn một mực chẳng hé răng gì về SEAL Đội sáu, giống như họ vẫn thường làm trước đây. Hôm 6.5, Tổng thống Barack Obama đã gặp và khen ngợi những thành viên của chiến dịch tiêu diệt bin Laden, nhưng cuộc gặp diễn ra trong phòng kín và đến nay giới truyền thông vẫn chưa tìm được tên tuổi các “siêu chiến binh” này.

Thiếu tướng lính thủy đánh bộ Richard Mills thì không hề ngạc nhiên về chiến công mới nhất của Đội sáu. “SEAL Team Six là độc nhất vô nhị”, tờ Stars and Stripes dẫn lời tướng Mills nói.

Thực tế, Đội sáu ra đời từ một thất bại bẽ bàng trong lịch sử tình báo và quân đội Mỹ. Năm 1980, Mỹ thất bại trong chiến dịch Vuốt đại bàng nhằm giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị bắt giữ làm con tin ở Iran. Kết quả là 2 máy bay bị bắn rơi, 8 lính Mỹ và một thường dân Iran thiệt mạng. Sau vụ này, Washington quyết định thành lập một đội đặc nhiệm tinh nhuệ, chuyên thực hiện các sứ mệnh cực kỳ bí mật, giảm khả năng thất bại xuống mức thấp nhất. “Bắt đầu với 75 tay súng, chi phí huấn luyện, đạn dược dành cho Đội sáu còn hơn cả toàn bộ lực lượng lính thủy đánh bộ lúc đó”, Tư lệnh đầu tiên của Đội sáu là Richard Marcinko kể với Reuters.

Ông Marcinko còn tiết lộ cái tên Đội sáu được chọn để đánh lừa các kẻ thù của Mỹ rằng Mỹ có nhiều đội biệt kích tinh nhuệ. Theo ước tính của nhiều hãng truyền thông, số thành viên của Đội sáu vào khoảng 200 - 300 người. Họ được chọn lọc cẩn thận từ những thành viên có năng lực nhất của lực lượng lớn hơn là SEAL, vốn có khoảng 2.300 người. Biệt kích SEAL phải trải qua ít nhất 5 năm huấn luyện mới được quyền đăng ký tham gia thi tuyển vào Đội sáu.

Dù sở hữu những kỹ năng hơn người, hầu hết thành viên SEAL đều không chịu nổi quá trình huấn luyện gian khổ trước khi chính thức được công nhận là thành viên của Đội sáu. Đại úy Kenneth Klothe, Trưởng khoa môn Chiến tranh bất thường tại Đại học Quân sự quốc gia ở Washington, cho hay sức ép về tâm lý còn dữ dội hơn so với áp lực lên thân thể và là yếu tố quyết định để một người có thể vào Đội sáu hay không. AFP dẫn lời đại úy Klothe cho hay cao lắm chỉ khoảng 1/3 số lính đăng ký hoàn tất được quá trình khổ luyện.

Các lực lượng đặc nhiệm khác

SEAL của hải quân không phải là lực lượng đặc biệt duy nhất của quân đội Mỹ. Trước đây, khi nói đến lực lượng đặc nhiệm, người ta thường nhắc đến cái tên Delta Force của Lục quân. Nhờ vào chiến công diệt được Osama bin Laden, SEAL Đội sáu đột nhiên nổi trội hẳn so với Delta Force. Sự khác biệt giữa 2 đơn vị này là về mặt lý thuyết, SEAL tiến hành những chiến dịch trên biển, trong khi Delta Force chịu trách nhiệm về các sứ mệnh trên bộ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Obama chọn SEAL Đội sáu để tiêu diệt bin Laden cho thấy ranh giới giữa các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ có thể bị xóa nhòa.

Bên cạnh SEAL, Delta Force, một số đơn vị đặc nhiệm của Mỹ còn có Lực lượng Mũ nồi xanh và Trung đoàn biệt động quân 75 của Lục quân; các Sư dù 82 và 101 của Không quân; Marine Force Recon của Lính thủy đánh bộ…

Một số chiến dịch của Đội sáu

Chiến dịch Vì công lý (1989): Cùng sát cánh với Delta Force và các đơn vị đặc nhiệm khác, thành viên của Đội sáu tham gia bắt sống nhà độc tài Manuel Noriega khi Mỹ tấn công Panama vào tháng 12.1989.

Chiến dịch Cây thương lục (1990): SEAL Đội sáu quay lại Panama để tham gia vào chiến dịch bí mật nhằm bắt trùm ma túy Colombia Pablo Escobar. Tuy nhiên, chiến dịch này đã thất bại do sơ suất của khâu tình báo.

Trận chiến Mogadishu (1993): Bốn thành viên Đội sáu tham gia Chiến dịch Mãng xà Gothic, sứ mệnh của LHQ do Mỹ dẫn đầu nhằm truy bắt tướng Mohamed Farrah Aidid của Somalia và các cộng sự vào ngày 3.10.1993. Với sự phối hợp của nhiều đội đặc nhiệm Mỹ, ban đầu đây được cho là một sứ mệnh dễ dàng và ngắn gọn. Tuy nhiên, lực lượng phương Tây lọt vào ổ phục kích của các tay súng Somalia tại thủ đô Mogadishu. Kết quả là 160 lính Mỹ phải chiến đấu với từ 2.000 - 4.000 lính Somalia trong hai ngày 3 - 4.10. Tổng cộng, 19 lính Mỹ thiệt mạng, 84 người bị thương và lần đầu tiên trực thăng Black Hawk bị bắn rơi. Hình ảnh lính Mỹ bị bắt, bị trói và xác họ bị kéo lê trên đường phố trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với quân đội cũng như người dân Mỹ, và Tổng thống Bill Clinton phải ra lệnh rút quân khỏi Somalia. Trận chiến này sau đó được đạo diễn Ridley Scott dựng thành phim Black Hawk Down vào năm 2001.
Thụy Miên
(Báo Thanh Niên, 9.5.2011)

6.5.11

Osama bin Laden và al-Qaeda: Kẻ thù nước Mỹ

Sau vụ khủng bố 11.9.2001, Osama bin Laden trở thành
kẻ thù số 1 của Mỹ - Ảnh: Reuters

Sau một thời gian cùng chống lại Liên Xô, Osama bin Laden và tổ chức al-Qaeda đã trở thành kẻ thù số 1 của nước Mỹ.

Ban đầu, Osama bin Laden và tổ chức thánh chiến của mình có thể nhờ cậy nguồn giúp đỡ từ Mỹ để hoạt động vũ trang chống Liên Xô ở Afghanistan. Tuy nhiên, do sự khác xa về tư tưởng và lập trường, bin Laden không bao giờ coi Mỹ là đồng minh khả tín. Đối với người Mỹ, những tổ chức thánh chiến kiểu như Maktab al-Khidamat cũng không bao giờ là bạn bè. Đó chỉ là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau mà thôi. Thế nên, sau khi đối thủ chung là Liên Xô không còn, Osama bin Laden và người Mỹ đã trở thành kẻ thù của nhau.

Trở thành kẻ thù

Al-Qaeda với quy mô là một tổ chức vũ trang Hồi giáo ra đời năm 1988. Và trong thời gian ngắn sau đó, Liên Xô triệt thoái sau 9 năm 50 ngày duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan. Mục tiêu của al-Qaeda giờ đây đã thay đổi, chuyển từ chống Liên Xô sang thúc đẩy việc hình thành các nhà nước Hồi giáo.

Sự kiện Tổng thống Saddam Hussein của Iraq xua quân tấn công Kuwait vào tháng 8.1990 và hệ quả là Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực có tác động như một cú hích đẩy al-Qaeda vào thế đối đầu với nước này. Khi Iraq chiếm Kuwait, đặt Ả Rập Xê Út vào thế nguy hiểm, bin Laden đã gặp vua Fahd với lời khuyên không nên dựa vào các lực lượng ngoại đạo như Mỹ để đánh Iraq. Bin Laden chống Tổng thống Hussein, nhưng cũng coi viễn cảnh Mỹ can thiệp vào khu vực này là mối đe dọa cho thế giới Hồi giáo. Thay vì dựa vào Mỹ, bin Laden khuyên vua Fahd nên tin tưởng vào các chiến binh Ả Rập thuộc các tổ chức Hồi giáo như al-Qaeda. Vua Fahd khước từ lời đề nghị và sau đó ủng hộ Chiến dịch Bão táp Sa mạc của Mỹ. Và thế là bin Laden bắt đầu các hoạt động chống phương Tây, mà mục tiêu lớn nhất là Mỹ. Mối thù không đội trời chung nảy mầm từ đấy.

Theo hồ sơ của Mỹ, FBI bắt đầu tróc nã các thành viên của al-Qaeda từ năm 1990. Ngày 26.2.1993, tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở New York bị đánh bom khiến 6 người chết. Giới chức Mỹ sau đó kết luận là một nhóm khủng bố từng được al-Qaeda đào tạo là thủ phạm.

Tấn công đẫm máu

Về phần mình, sau khi không thuyết phục được vua Fahd và nhìn thấy máy bay Mỹ ném bom vùng Vịnh, Osama bin Laden đã quay sang chỉ trích Chính phủ Ả Rập Xê Út, kết quả là bị trục xuất. Năm 1992, bin Laden chạy sang Sudan và thiết lập một cơ sở vũ trang tại đây cũng như bắt tay với nhóm Jihad Ai Cập. Từ nơi ở mới, bin Laden tiếp tục chỉ trích Chính phủ Ả Rập Xê Út và vào năm 1994 đã bị tước quốc tịch cũng như bị gia đình đoạn tuyệt.

Năm 1996, với sự thiết lập chính quyền Taliban ở Afghanistan, bin Laden thấy rằng một quốc gia Hồi giáo đúng nghĩa đã ra đời và y thuê máy bay tới Jalalabad để gặp thủ lĩnh Taliban Mullah Omar. Tới lúc này thì bin Laden đã nhận được sự che chở của cả một nhà nước Hồi giáo. Thủ lĩnh al-Qaeda hoạt động tự do và thậm chí khống chế hãng hàng không Ariana Afghan Airlines để phục vụ cho hoạt động chở vũ khí và binh lính. Theo cuốn Lái buôn tử thần (The Merchant of Death 2007, trang 138-140), nghi can buôn lậu vũ khí người Nga Viktor Bout cũng hợp tác với Taliban và al-Qaeda để điều hành hoạt động chuyên chở vũ khí bằng đường hàng không.

Tháng 2.1998, Osama bin Laden cùng Ayman al-Zawahiri - một bác sĩ phẫu thuật và là thủ lĩnh của Jihad Ai Cập - thành lập tổ chức gọi là Mặt trận Thánh chiến Hồi giáo chống Do Thái và Thập tự chinh. Đây chính là lúc al-Qaeda với một mạng lưới rộng khắp chính thức hình thành. Vào giữa năm đó, bin Laden cùng al-Zawahiri tổ chức Đại hội al-Qaeda - một cuộc tập trung lực lượng của các tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan toàn cầu. Tới tháng 8.1998, tổ chức của bin Laden chính thức đánh thẳng vào lợi ích của nước Mỹ bằng 2 vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya. Sau sự kiện này, bin Laden, phó tướng al-Zawahiri và thủ lĩnh quân sự Muhammad Atef của al-Qaeda đã trở thành đối tượng truy nã gắt gao của Mỹ.

Kể từ đó, hầu hết các vụ khủng bố lớn trên thế giới đều được người Mỹ dán mác al-Qaeda. Đến ngày 11.9.2001, thế giới chứng kiến màn tấn công khủng bố ghê rợn nhất lịch sử: 4 chiếc máy bay chở khách bị 19 kẻ không tặc khống chế đã tấn công nước Mỹ, 2 chiếc đâm vào tòa tháp đôi WTC ở New York, 1 chiếc đâm vào Lầu Năm Góc ở Virginia và chiếc thứ tư rơi tại Pennsylvania. Vụ việc khiến 3.000 người chết, 6.000 người bị thương. Từ đó, al-Qaeda và thủ lĩnh bin Laden trở thành kẻ thù số 1 của Mỹ. Trong suốt thập niên vừa qua, sau vụ 11.9, hàng loạt vụ đánh bom lớn khác cũng đã được dán nhãn al-Qaeda, chẳng hạn vụ đánh bom tàu điện ngày 11.3.2004 tại Madrid, Tây Ban Nha, vụ đánh bom ngày 7.7.2005 tại thủ đô nước Anh..., mặc dù trên thực tế có thể một số vụ do các nhóm khủng bố khác thực hiện.


Đỗ Hùng
(Báo Thanh Niên, 7.5.2011)

>> Osama bin Laden và al-Qaeda: Tổ chức thánh chiến
>>
Osama bin Laden và al-Qaeda: Nơi khởi nguồn của một dòng họ

5.5.11

Osama bin Laden và al-Qaeda: Tổ chức thánh chiến

Rời bỏ cuộc sống của một quý tử, Osama bin Laden đã tới Pakistan để tham gia lực lượng thánh chiến chống Liên Xô, với sự ủng hộ của Mỹ.

Ông Mohamed có ít nhất 54 người con, Salem là con trai đầu, người trở thành chủ nhân của Tập đoàn Bin Laden sau khi cha mình qua đời vì tai nạn trực thăng năm 1967.

Osama bin Laden là con của bà Hamida al-Attas, vợ thứ 10 của ông Mohamed. Bà Hamida sinh Osama vào năm 1957, khi mới 15 tuổi và sau đó ít lâu đã ly dị ông Mohamed.


Osama bin Laden trong thời gian tham gia hoạt động
vũ trang ở Nam Á - Ảnh: AFP


Đường đến Pakistan

Các tài liệu phổ biến cho biết thuở nhỏ Osama là tín đồ Wahhabi, một nhánh Hồi giáo dòng Sunni. Tư tưởng người con trai của Mohamed trong giai đoạn đầu chưa bộc lộ xu hướng cực đoan. Tuy nhiên, những diễn biến vào cuối thập niên 1970 và đầu 1980 đã có tác động sâu sắc tới Osama. Đó là giai đoạn Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979 và duy trì sự hiện diện ở đó. Lúc bấy giờ, ở tuổi ngoài 20, Osama đã tới Pakistan để tham gia các tổ chức thánh chiến Hồi giáo chống Liên Xô. Cuộc gặp gỡ với giáo sĩ Abdullah Yusuf Azzam vào giai đoạn này đối với Osama như cá gặp nước. Với tầm ảnh hưởng trong các tổ chức vũ trang Hồi giáo, Azzam đã nhanh chóng thuyết phục bin Laden tham gia sâu hơn vào các hoạt động thánh chiến liên quan tới chiến trường Afghanistan. Đây chính là lúc mà mạng lưới al-Qaeda manh nha.

Ban đầu, bin Laden và Azzam thành lập tổ chức Maktab al-Khidamat, chịu trách nhiệm quyên góp tài chính, vũ khí và huy động nhân sự từ khắp thế giới Hồi giáo và Ả Rập để chi viện cho thánh chiến quân ở Afghanistan. Đây cũng là lúc Chiến dịch Bão xoáy do Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) triển khai đang ở giai đoạn cao trào. Chiến dịch này có nhiệm vụ tương tự như công việc mà Osama và Azzam đang thực hiện, đó là tuồn tiền và vũ khí cho các thủ lĩnh chống Liên Xô ở Afghanistan. Hai lực lượng vốn khác xa nhau về ý thức hệ, tôn giáo - tức là thuộc hai nền văn minh khác nhau - đã gặp nhau ở một điểm: họ có chung đối thủ.

Tuy nhiên, các tư liệu được công bố tới nay cho thấy vào thời điểm 1984, Osama bin Laden dường như chưa có liên hệ trực tiếp với Mỹ. Có thể có những nguồn tiền xuất phát từ Mỹ và Ả Rập Xê Út được rót cho tổ chức của Osama, nhưng một cái bắt tay trực tiếp thì chưa. Thế rồi, mọi sự dường như thay đổi sau một chuyến đi của Salem bin Laden, xuất phát từ khu dinh thự ở Florida và điểm đến là thành phố Peshawar của Pakistan, cách không xa biên giới với Afghanistan.

Trong cứ địa Peshawar

Cuối năm 1984, khi đang ở Mỹ, Salem mua sắm nhiều vật dụng để chuẩn bị tới Pakistan. Ông ta chất rất nhiều thứ vào các kiện hàng lớn, rồi chuyển tới bang Nam Carolina, từ đây, một công ty tàu biển có liên hệ với gia đình bin Laden chở hàng về UAE, sau đó tới Karachi ở Pakistan.

Bản thân Salem bay sang Đức, sau đó tới Anh, rồi qua Áo trước khi về Ả Rập Xê Út có quá cảnh ở Cairo, Ai Cập. Lúc ở Áo, Salem có gặp trùm buôn lậu vũ khí Adnan Khashoggi. Sau khi nghỉ ngơi một thời gian tại Ả Rập Xê Út, một ngày đầu hè 1985, Salem cùng 2 người bạn Mỹ, một kỹ sư hàng không Thụy Điển và tổ lái lên một chiếc máy bay Mitsubishi MU-2 để bay tới Karachi. Tại cảng Karachi, Salem nhận các kiện hàng lớn rồi sau đó chuyển lên thành phố Peshawar. Không ai biết ông ta chở cái gì, nhưng không loại trừ đó là vũ khí.

“Salem nói rằng Osama đang ở đấy và ông ấy là người trung gian giữa Chính phủ Mỹ, Ả Rập Xê Út và các lực lượng vũ trang ở Afghanistan”, người bạn Mỹ George Harrington sau này kể lại với tác giả Steve Coll (trong sách: Bin Laden: một gia đình Ả Rập trong thế kỷ Mỹ, 2008).

“Họ tiếp tục bay và sau đó đáp xuống một phi đạo đầy bụi ở Peshawar, mà Harrington không biết đấy là đường băng hay một con lộ thông thường”, tác giả Coll viết. Harrington kể lại ấn tượng đầu tiên về Osama: “Tôi thấy hắn ta cao hơn Salem rất nhiều (trên 1m9). Lúc bấy giờ hắn chừng 27 tuổi”. Sau khi gặp nhau, Salem và Osama nói chuyện bằng tiếng Ả Rập trong chừng hai tiếng đồng hồ. Tiếp đó, Osama dẫn anh trai mình và các vị khách tới thăm trại tị nạn và những nơi các tay súng thánh chiến ẩn náu. Salem dùng một chiếc máy quay phim nhỏ ghi lại hoạt động của Osama.

Sau chuyến đi, Salem đã trở về Ả Rập Xê Út và sau đó có thể đã tháp tùng Vua Fahd tới thăm Washington vào cuối năm 1985. Theo tác giả Coll, có thể đoạn phim quay các hoạt động của Osama ở miền biên giới Pakistan - Afghanistan đã được chuyển cho Tổng thống Ronald Reagan, để thuyết phục ông này tăng cường hỗ trợ các tổ chức vũ trang chống Liên Xô.

Hoạt động của Osama bin Laden trong tổ chức Maktab al-Khidamat chấm dứt vào năm 1988, khi có bất đồng với giáo sĩ Azzam, và al-Qaeda đã ra đời ngay lúc ấy. Đây cũng là năm mà Salem thiệt mạng khi đang lái một chiếc máy bay nhỏ ở Mỹ.

Sau sự ra đời của al-Qaeda, xu hướng cực đoan của Osama càng phát triển cao hơn khi Mỹ xua quân tới vùng Vịnh vào năm 1990 và sau đó là sự hình thành chính quyền Taliban ở Afghanistan vào năm 1996.


Đỗ Hùng
(Báo Thanh Niên, 6.5.2011)


>> Osama bin Laden và al-Qaeda: Nơi khởi nguồn của một dòng họ