Lộ diện mưu đồ
Năm 2011, Công ty Khai thác dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã chính thức công bố trên trang web của tập đoàn này lộ trình khai thác 19 lô dầu khí trên khu vực rộng hơn 52.000km2 ở biển Đông, trong đó có 12 lô ở khu vực đông biển Đông và 7 lô ở khu vực phía tây biển Đông. CNOOC đã đưa ra đề xuất sẽ cùng hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới ở các vỉa dầu này. Năm 2010, CNOOC từng đưa ra đề nghị tương tự với 13 lô dầu khai thác cũng ở biển Đông.
Để thực hiện tham vọng bá chủ nguồn tài nguyên ở biển Đông, ngày 23-5-2011, CNOOC đã tiếp nhận giàn khoan CNOOC 981, một giàn khoan khổng lồ đã được xưởng đóng tàu của Thượng Hải bàn giao để đưa vào phục vụ khai thác dầu khí trên biển Đông. Nhân Dân Nhật Báo cho biết giàn khoan CNOOC 981 có kích thước bằng một sân bóng đá với số tiền đầu tư lên đến 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD) và có khả năng khai thác ở độ sâu 3.000m dưới biển, công suất lớn gấp sáu lần các giàn khoan hiện có của Trung Quốc.
Ông Vương Nghi Lâm, chủ tịch CNOOC, cho biết giàn khoan trên sẽ được lắp đặt ở biển Đông và đưa vào vận hành vào tháng 7-2011. Nhân Dân Nhật Báo cho rằng biển Đông là một trong những vùng sản xuất dầu và khí đốt quan trọng nhất của CNOOC.
Kế hoạch khai thác dầu ở biển Đông đã được Trung Quốc hoạch định từ rất lâu, đến năm 2011, như tuyên bố của nước này, đây là năm sẽ đẩy mạnh mọi hoạt động khai thác dầu của họ trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.
Biển Đông - vịnh Ba Tư thứ hai
Trung Quốc từng ví biển Đông là một vịnh Ba Tư thứ hai. Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng đây là nơi chứa đựng 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ m3 khí, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí mà Trung Quốc có.
Đó chính là lý do mà Trung Quốc phải tìm kiếm và khai thác tài nguyên ở biển Đông để thỏa mãn cơn khát năng lượng của chính họ, Thời Báo Hoàn Cầu số ngày 19-4 cho biết. Để hỗ trợ cho tham vọng này, Trung Quốc không ngừng tăng cường hoạt động hải quân trên khắp biển Đông, tăng cường nhiều trang thiết bị, vũ khí và tập huấn nhân sự để bảo vệ các công ty năng lượng Trung Quốc hoạt động.
Ông Michael Richardson, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng tham vọng trong chính sách năng lượng của Bắc Kinh có thể làm phức tạp hơn mối quan hệ của nước này với các nước Đông Nam Á cũng như với Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
(Báo Tuổi Trẻ, 30.5.2011)
No comments:
Post a Comment