6.5.11

Osama bin Laden và al-Qaeda: Kẻ thù nước Mỹ

Sau vụ khủng bố 11.9.2001, Osama bin Laden trở thành
kẻ thù số 1 của Mỹ - Ảnh: Reuters

Sau một thời gian cùng chống lại Liên Xô, Osama bin Laden và tổ chức al-Qaeda đã trở thành kẻ thù số 1 của nước Mỹ.

Ban đầu, Osama bin Laden và tổ chức thánh chiến của mình có thể nhờ cậy nguồn giúp đỡ từ Mỹ để hoạt động vũ trang chống Liên Xô ở Afghanistan. Tuy nhiên, do sự khác xa về tư tưởng và lập trường, bin Laden không bao giờ coi Mỹ là đồng minh khả tín. Đối với người Mỹ, những tổ chức thánh chiến kiểu như Maktab al-Khidamat cũng không bao giờ là bạn bè. Đó chỉ là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau mà thôi. Thế nên, sau khi đối thủ chung là Liên Xô không còn, Osama bin Laden và người Mỹ đã trở thành kẻ thù của nhau.

Trở thành kẻ thù

Al-Qaeda với quy mô là một tổ chức vũ trang Hồi giáo ra đời năm 1988. Và trong thời gian ngắn sau đó, Liên Xô triệt thoái sau 9 năm 50 ngày duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan. Mục tiêu của al-Qaeda giờ đây đã thay đổi, chuyển từ chống Liên Xô sang thúc đẩy việc hình thành các nhà nước Hồi giáo.

Sự kiện Tổng thống Saddam Hussein của Iraq xua quân tấn công Kuwait vào tháng 8.1990 và hệ quả là Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực có tác động như một cú hích đẩy al-Qaeda vào thế đối đầu với nước này. Khi Iraq chiếm Kuwait, đặt Ả Rập Xê Út vào thế nguy hiểm, bin Laden đã gặp vua Fahd với lời khuyên không nên dựa vào các lực lượng ngoại đạo như Mỹ để đánh Iraq. Bin Laden chống Tổng thống Hussein, nhưng cũng coi viễn cảnh Mỹ can thiệp vào khu vực này là mối đe dọa cho thế giới Hồi giáo. Thay vì dựa vào Mỹ, bin Laden khuyên vua Fahd nên tin tưởng vào các chiến binh Ả Rập thuộc các tổ chức Hồi giáo như al-Qaeda. Vua Fahd khước từ lời đề nghị và sau đó ủng hộ Chiến dịch Bão táp Sa mạc của Mỹ. Và thế là bin Laden bắt đầu các hoạt động chống phương Tây, mà mục tiêu lớn nhất là Mỹ. Mối thù không đội trời chung nảy mầm từ đấy.

Theo hồ sơ của Mỹ, FBI bắt đầu tróc nã các thành viên của al-Qaeda từ năm 1990. Ngày 26.2.1993, tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở New York bị đánh bom khiến 6 người chết. Giới chức Mỹ sau đó kết luận là một nhóm khủng bố từng được al-Qaeda đào tạo là thủ phạm.

Tấn công đẫm máu

Về phần mình, sau khi không thuyết phục được vua Fahd và nhìn thấy máy bay Mỹ ném bom vùng Vịnh, Osama bin Laden đã quay sang chỉ trích Chính phủ Ả Rập Xê Út, kết quả là bị trục xuất. Năm 1992, bin Laden chạy sang Sudan và thiết lập một cơ sở vũ trang tại đây cũng như bắt tay với nhóm Jihad Ai Cập. Từ nơi ở mới, bin Laden tiếp tục chỉ trích Chính phủ Ả Rập Xê Út và vào năm 1994 đã bị tước quốc tịch cũng như bị gia đình đoạn tuyệt.

Năm 1996, với sự thiết lập chính quyền Taliban ở Afghanistan, bin Laden thấy rằng một quốc gia Hồi giáo đúng nghĩa đã ra đời và y thuê máy bay tới Jalalabad để gặp thủ lĩnh Taliban Mullah Omar. Tới lúc này thì bin Laden đã nhận được sự che chở của cả một nhà nước Hồi giáo. Thủ lĩnh al-Qaeda hoạt động tự do và thậm chí khống chế hãng hàng không Ariana Afghan Airlines để phục vụ cho hoạt động chở vũ khí và binh lính. Theo cuốn Lái buôn tử thần (The Merchant of Death 2007, trang 138-140), nghi can buôn lậu vũ khí người Nga Viktor Bout cũng hợp tác với Taliban và al-Qaeda để điều hành hoạt động chuyên chở vũ khí bằng đường hàng không.

Tháng 2.1998, Osama bin Laden cùng Ayman al-Zawahiri - một bác sĩ phẫu thuật và là thủ lĩnh của Jihad Ai Cập - thành lập tổ chức gọi là Mặt trận Thánh chiến Hồi giáo chống Do Thái và Thập tự chinh. Đây chính là lúc al-Qaeda với một mạng lưới rộng khắp chính thức hình thành. Vào giữa năm đó, bin Laden cùng al-Zawahiri tổ chức Đại hội al-Qaeda - một cuộc tập trung lực lượng của các tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan toàn cầu. Tới tháng 8.1998, tổ chức của bin Laden chính thức đánh thẳng vào lợi ích của nước Mỹ bằng 2 vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya. Sau sự kiện này, bin Laden, phó tướng al-Zawahiri và thủ lĩnh quân sự Muhammad Atef của al-Qaeda đã trở thành đối tượng truy nã gắt gao của Mỹ.

Kể từ đó, hầu hết các vụ khủng bố lớn trên thế giới đều được người Mỹ dán mác al-Qaeda. Đến ngày 11.9.2001, thế giới chứng kiến màn tấn công khủng bố ghê rợn nhất lịch sử: 4 chiếc máy bay chở khách bị 19 kẻ không tặc khống chế đã tấn công nước Mỹ, 2 chiếc đâm vào tòa tháp đôi WTC ở New York, 1 chiếc đâm vào Lầu Năm Góc ở Virginia và chiếc thứ tư rơi tại Pennsylvania. Vụ việc khiến 3.000 người chết, 6.000 người bị thương. Từ đó, al-Qaeda và thủ lĩnh bin Laden trở thành kẻ thù số 1 của Mỹ. Trong suốt thập niên vừa qua, sau vụ 11.9, hàng loạt vụ đánh bom lớn khác cũng đã được dán nhãn al-Qaeda, chẳng hạn vụ đánh bom tàu điện ngày 11.3.2004 tại Madrid, Tây Ban Nha, vụ đánh bom ngày 7.7.2005 tại thủ đô nước Anh..., mặc dù trên thực tế có thể một số vụ do các nhóm khủng bố khác thực hiện.


Đỗ Hùng
(Báo Thanh Niên, 7.5.2011)

>> Osama bin Laden và al-Qaeda: Tổ chức thánh chiến
>>
Osama bin Laden và al-Qaeda: Nơi khởi nguồn của một dòng họ

No comments:

Post a Comment