Các lực lượng đặc nhiệm của Pháp hoạt động khá bài bản từ sau Thế chiến 2 nhưng mỗi đội thuộc sự quản lý của một binh chủng khác nhau, khá độc lập và hầu như không phối hợp tác chiến. Nhận thấy hạn chế này, sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, đô đốc Jacques Lanxade và Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy Pierre Joxe lên kế hoạch thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch đặc biệt (COS). COS quản lý toàn bộ các lực lượng đặc nhiệm của Pháp và chịu sự điều động trực tiếp từ Tổng tham mưu trưởng quân đội.
Lựa chọn thứ 3 của tổng thống
Tờ Le Point nhận định với sự ra đời của COS, các Tổng thống Pháp có trong tay 3 lựa chọn khi cần giải pháp quân sự: lựa chọn “nặng ký” nhất là sử dụng vũ khí hạt nhân, thứ hai là sử dụng quân đội truyền thống và lựa chọn cho những trường hợp “nhạy cảm” là sử dụng đặc nhiệm.
Ngay sau ngày thành lập, COS trở thành một lực lượng không thể thiếu và tham gia hầu hết các trận tuyến của quân đội Pháp. Các biệt kích COS có mặt tại Chiến dịch Turquoise nhằm lập lại trật tự ở Rwanda sau các vụ thảm sát đầu thập niên 1990, trinh sát tại Afghanistan, giải cứu con tin trên tàu Ponant bị cướp biển Somalia khống chế cuối tháng 4.2008 và gần đây nhất là giúp sơ tán dân thường và nhân viên một số đại sứ quán khi thành phố Abidjan của Bờ Biển Ngà chìm trong bạo động…
Biệt kích người nhái Hubert của hải quân Pháp
- Ảnh: Netmarine.net
Trong một lần gặp gỡ các hạ nghị sĩ, tướng Benoît Puga cho biết khác với đặc nhiệm Mỹ hay Anh, COS không thực hiện các nhiệm vụ “ngầm”. Các biệt kích có thể hoạt động bí mật nhưng không thay tên đổi họ, không sử dụng nhân thân giả. Lực lượng đặc nhiệm có thể xem là thành phần thứ 4 của quân đội Pháp, bên cạnh lục quân, hải quân và không quân. Pháp cũng được NATO công nhận vai trò chỉ huy cùng Anh và Mỹ trong các chiến dịch do các lực lượng đặc nhiệm của tổ chức này phối hợp tiến hành. Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc gia, COS còn gửi người sang một số nước để hỗ trợ huấn luyện biệt kích.
Bay thấp và nhảy cao
Các đội đặc nhiệm của COS nhìn chung đều có khả năng hành động ở mọi trận địa trong điều kiện khó khăn nhất. Theo tờ Le Point, các phi công đặc nhiệm thường xuyên luyện tập lái máy bay vận chuyển quân sự Transall C160 ban đêm ở độ cao cực thấp, có khi chưa đến 60m, sau đó lại đáp xuống những phi trường đã đóng cửa, hầu như không mở đèn. Trong khi đó, ban ngày họ lại lái lên độ cao đến 8.000m để các đồng đội tập luyện nhảy dù.
Chương trình huấn luyện của đặc nhiệm Pháp được đánh giá là nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, có thể sánh với SAS của Anh hay SEAL của Mỹ. Điều kiện thể lực là quan trọng nhưng tính kiên nhẫn, trầm tĩnh và sự bền bỉ là yếu tố không thể thiếu để trở thành “siêu chiến binh” của COS. Tờ Le Point dẫn lời đại tá Christophe Rastouil cho biết: “Chúng tôi sẽ không giữ lại những học viên có biểu hiện cực đoan. Họ đều phải trải qua các cuộc kiểm tra tâm lý và những ai hướng nội hay hướng ngoại thái quá đều bị loại. Những người được chọn phải có nhân phẩm tốt, biết cách thích nghi với những điều kiện văn hóa, xã hội khác nhau như một điều kiện căn bản trước khi đối đầu với những thử thách khắc nghiệt khi lâm trận”.
Trong số các đội đặc nhiệm của COS, nổi tiếng được đào tạo khắt khe nhất là thành viên của Biệt kích Hải quân. Lực lượng này được chia thành 5 biệt đội chuyên chống khủng bố, trinh sát, đột kích bằng đường biển, phá hủy mục tiêu tầm xa…, và biệt đội người nhái Hubert. Từ 500 học viên đăng ký vào trường Hải quân, 45 người có thể học tiếp chương trình biệt kích và chỉ khoảng 30 người được tuyển chọn vào Biệt kích Hải quân.
Tuy nhiên, dù đã trụ lại được sau 20 tuần khổ luyện và được cấp chứng nhận nhưng các “siêu chiến binh” vẫn không ngừng rèn luyện để vượt qua các kỳ thường xuyên.
Riêng với biệt đội người nhái Hubert, binh sĩ phải là thành viên của một trong 5 biệt đội khác của Biệt kích Hải quân ít nhất 5 năm mới có thể đăng ký thi tuyển. Nếu đủ bản lĩnh vượt qua 2 tuần kiểm tra các kỹ năng và được chọn, các ứng viên sẽ được huấn luyện bơi lặn trong 7 tháng.
Một điểm đặc biệt khác của Biệt kích Hải quân Pháp là để thăng cấp bậc mới, các binh sĩ phải trải qua một khóa huấn luyện phù hợp với vị trí chỉ huy, thử thách và gian nan không kém gì đợt khổ luyện đầu vào. Nhiều sĩ quan thuộc lực lượng đặc nhiệm này từng trải qua đến 4 khóa huấn luyện trước khi được giao nắm các trọng trách.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
(Báo Thanh Niên, 11.5.2011)
>> “Siêu chiến binh” đặc nhiệm: Khuôn mẫu của biệt kích hiện đại
>> “Siêu chiến binh” đặc nhiệm: Tinh nhuệ của tinh nhuệ
No comments:
Post a Comment