22.3.11

Rõ ràng mục tiêu, mập mờ mục đích

Cuộc tấn công vào đất nước Libya đã bước sang ngày thứ 3 hôm 21.3 với những quả tên lửa hành trình liên tiếp đánh sập hệ thống phòng không của chính phủ, những trận mưa bom ào ạt dội xuống đoàn quân của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, câu hỏi cơ bản nhất để gây chiến: Mục tiêu là gì? vẫn chưa được Mỹ - nước đang giữ vai trò đầu tàu xác định trước công luận.

Hai tuần trước khi phát động chiến tranh, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố mục tiêu rất rõ ràng: Gaddafi “phải đi”.

Đến tối hôm qua, 20.3, phó đô đốc William Gortney tuyên bố từ Lầu Năm Góc: “Chúng ta không đuổi theo Gaddafi”. Ngay trước đó, một tiếng nổ khủng khiếp vang lên ở Tripoli, làm sập một phần tổng hành dinh của nhà lãnh đạo Gaddafi. Đó là một quả tên lửa do liên quân bắn vào.


Lực lượng nổi dậy trên đường phố Benghazhi,
cứ địa của họ - Ảnh: Reuters

Tờ New York Times nhận định, đây là một bằng chứng rất rõ ràng cho thấy, dù mục tiêu được tuyên bố có là gì đi chăng nữa thì cuộc chiến mà Mỹ, Anh, Pháp phát động hôm 19.3 cũng đe dọa đến cái ghế của ông Gaddafi.

Sau những tuyên bố rất cứng rắn, cho rằng Gaddafi không có quyền lãnh đạo Libya nữa, Tổng thống Barack Obama - tổng tư lệnh quân đội Mỹ - đang đứng trước một bài toán hóc búa trong bối cảnh nghị quyết của Liên hiệp quốc - cơ sở pháp lý để Mỹ và các đồng minh phát động chiến tranh - không có điều khoản hạ bệ ông Gaddafi. Đến nay, ông Obama tuyên bố rằng mục tiêu cuộc chiến này ở mức giới hạn: dùng vũ lực để bảo vệ nhân dân Libya và hỗ trợ công tác nhân đạo.

Hôm 20.3, phát biểu với hãng truyền thông NBC, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen có cùng tiếng nói: “Mục đích của chiến dịch vào lúc này là giới hạn, không phải để chứng kiến ông ta (Gaddafi) ra đi”.

Khi bị vặn rằng liệu chiến dịch có được coi là hoàn tất hay không nếu ông Gaddafi vẫn còn tại chức, đô đốc Mullen đáp: “Đó cũng có thể là một kết thúc”. Nhưng xem ra, kết thúc này không nằm trong ưu tiên của Mỹ.

Ông Mullen cũng đã tuyên bố các nước trong liên minh quân sự muốn quân đội của chính phủ Libya trở về căn cứ nhưng lại không hề nói lực lượng nổi dậy sẽ làm gì dưới chiếc dù bảo vệ của liên quân.

Xe tăng của Chính phủ Libya bốc cháy do trúng đòn
tấn công của liên quân - Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa Mỹ lập tức chỉ trích mục tiêu của cuộc chiến đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Tờ New York Times dẫn lời Chủ tịch Hạ viện John Boehner: “Chính quyền có nhiệm vụ phải xác định cho nhân dân Mỹ, quốc hội và quân đội của chúng ta biết sứ mạng ở Libya là gì, phải giải thích rành mạch về vai trò của Mỹ để đạt được sứ mạng đó và chỉ rõ xem phải hoàn thành nó như thế nào”.

Chủ tịch Ủy ban vũ trang tại Hạ viện, dân biểu Howard McKeon cũng thắc mắc: “Có phải mục tiêu là để bảo vệ thường dân Libya, hay là để loại bỏ Muammar Gaddafi khỏi quyền lực?”

Rõ ràng, dù mục tiêu được tuyên bố trước thiên hạ có là gì đi chăng nữa thì Gaddafi – vốn có đường lối chống Mỹ suốt mấy chục năm qua - cũng là cái gai to mà Mỹ lúc nào cũng muốn nhổ, nhất là trong bối cảnh đất nước mà ông lãnh đạo lại giàu tiềm lực dầu mỏ. Một quốc gia giàu dầu mỏ do một chính phủ thân Mỹ lãnh đạo chắc chắn sẽ có lợi hơn cho Mỹ và cả các đồng minh phương Tây.

Vấn đề là phải loại bỏ Gaddafi bằng cách nào? Nghị quyết LHQ đưa liên quân tới Libya không có điều khoản phế truất Gaddafi.

Phó đô đốc Gortney từng nói: “Nếu như mà vô tình ông ấy có mặt ở một chỗ nào đấy, nếu ông ấy đang kiểm tra một điểm bắn tên lửa đất đối không nào đấy, và chúng tôi không hề biết rằng ông ấy có mặt ở đó hay không, rồi…” Gortney bỏ lửng câu nói ở đó.

Nhưng kịch bản mà Mỹ mong chờ nhất sẽ là Gaddafi bị giết chết từ chính lực lượng nổi dậy hoặc bất kỳ ai ở bên trong Libya.

Cú sút cuối cùng để hất đổ Gaddafi đang được kỳ vọng
là do phe nổi dậy thực hiện- Ảnh: Reuters

Trong những ngày qua, nhiều chính trị gia ở Mỹ liên tục hối thúc, cho rằng nếu cuộc chiến tranh được phát động sớm, chừng 10 ngày so với thực tế, lúc quân nổi dậy đang nằm ở thế thượng phong, thì chuyện đẩy Gaddafi khỏi quyền lực đã được thực hiện dễ dàng. Nay thì lực lượng của Gaddafi đã tái chiếm lại hầu hết các thành phố, thị trấn bị mất.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cho rằng với sự hậu thuẫn từ trên không của liên quân, phe nổi dậy sẽ mau chóng lấy lại những gì đã mất.

Quả bóng vẫn đang nằm ở chân Mỹ để tha hồ mà dẫn dắt trên chiến trường Libya, tuy nhiên, cú đá cuối cùng để hất đổ Gaddafi đang được kỳ vọng là của phe nổi dậy.

Kiều Oanh
Viết riêng cho Mảnh vụn lịch sử

No comments:

Post a Comment