6.3.11

Phe đối lập Libya là ai?

Quân nổi dậy Libya ở thành phố Benghazi - Ảnh: AFP


Những ngày qua, khi đưa tin về tình hình Libya, báo chí quốc tế liên tục viết “quân nổi dậy đang chiến đấu”, “quân nổi dậy đang làm chủ Benghazi” hay “quân nổi dậy kêu gọi nước ngoài can thiệp quân sự”... Họ là ai? Ai đứng sau họ? Ai cung cấp vũ khí cho họ?

Đó là những câu hỏi không dễ trả lời, nhất là trong tình cảnh hỗn loạn hiện nay ở Libya. “Lực lượng nổi dậy” bao gồm nhiều thành phần với những khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau.

Họ là ai?

Thực tế Libya từ lâu đã như bị chia đôi, một nửa nước nằm quanh thủ đô Tripoli và một nửa khác nằm quanh thành phố miền đông Benghazi. Hai thành phố này cách nhau khoảng 772 km. Lịch sử Libya được hình thành từ khoảng 140 bộ tộc. Cả Tripoli và Benghazi đều có nhiều bộ tộc kiểm soát từng lãnh địa riêng. Ở Tripoli, bộ tộc quyền lực nhất là Gadhadfa của nhà lãnh đạo Gaddafi. Trong khi đó, ở Benghazi bộ tộc lớn nhất là Senoussi, “kẻ thù không đội trời chung” với Gadhadfa. Trước khi ông Gaddafi lên nắm quyền, bộ tộc Senoussi nắm quyền kiểm soát Libya. Trước đây, Gadhadfa được nhiều bộ tộc trên cả nước ủng hộ.

Các nhà quan sát phương Tây cho biết trong hơn 40 năm trị vì, ông Gaddafi đã chơi ván cờ bộ tộc cực kỳ hiệu quả. Bằng cách vừa sử dụng nguồn thu từ dầu hỏa vừa kín đáo kích động sự thù địch giữa các bộ tộc, ông Gaddafi đã có được sự thuần phục và trung thành của các bộ tộc cũng như thiết lập được một mạng lưới kiểm soát hiệu quả. Các bộ tộc cạnh tranh đều có đại diện trong quân đội. Theo tài liệu ngoại giao Mỹ, trong những năm qua, ông Gaddafi bắt đầu trục xuất những nhân vật quan trọng trong quân đội thuộc các bộ tộc khác, thay thế bằng những cá nhân trung thành với ông ta. Phần lớn các vị trí quan trọng trong quân đội và chính phủ đều thuộc về các thành viên của bộ tộc Gadhadfa.

Do đó, khi bạo động bùng phát, các bộ tộc đã quay lưng chống lại ông Gaddafi. Bộ tộc lớn nhất ở Libya là Warfala đã gia nhập lực lượng nổi dậy. Bộ tộc này có cả triệu người, đóng vai trò quan trọng ở các thành phố phía bắc như Bani Walid, Tripoli và Benghazi. Bộ tộc Tarhuna cũng có gần một triệu người, bao gồm 350.000 người ở Tripoli, cũng nối bước Warfala. Còn phải kể đến các bộ tộc Zawiya ở vùng miền đông giàu dầu mỏ, Bani Walid và Zintan. Các bộ tộc này đã kêu gọi con cháu mình rời bỏ quân đội và gia nhập phe nổi dậy. Ví dụ như nhà Bani Walid đã rút toàn bộ con cháu ra khỏi các lữ đoàn an ninh của chính quyền Gaddafi.

Benghazi, thành phố lớn thứ hai ở Libya, hiện là căn cứ địa của Hội đồng quá độ quốc gia (NTC) mới được thành lập dưới sự lãnh đạo của cựu bộ trưởng tư pháp Mustafa Abdel-Jalil. NTC bao gồm đại diện các binh lính quân đội đã rời bỏ Gaddafi, các thủ lĩnh bộ tộc, cựu quan chức chính phủ và các quan chức mới được chỉ định ở những thành phố và thị trấn nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng chống chính phủ.

Benghazi cũng là đại bản doanh của một nhóm chính trị trẻ hơn, có tên là nhóm 12-2, với các thành viên chủ yếu là giới trí thức ở Benghazi. Ngoài ra, còn có các sĩ quan quân đội rời bỏ hàng ngũ của ông Gaddafi và hiện đang chỉ huy các nhóm quân nổi dậy. Một trong số đó là tướng Abdul Fatah Younis, cựu bộ trưởng nội vụ. Ông Younis đã từ chức ngay sau khi cuộc nổi dậy bùng lên và kêu gọi quân đội chống lại ông Gaddafi.

Cũng không thể không nhắc đến những thành viên còn lại của Nhóm chiến đấu Libya, một tổ chức theo mô hình Al Qaeda, có quan hệ với các phiến quân Hồi giáo trốn tù khi bạo loạn bùng phát. Giới quan sát quốc tế nhận định sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp lực lượng này. Nhiều chuyên gia chính trị lo ngại cuộc nổi dậy ở Libya có thể biến thành một cuộc nội chiến và chia rẽ đất nước Libya thành nhiều vùng do từng bộ tộc kiểm soát, hoàn toàn tách ly với chính quyền trung ương, kiểu như Somalia hiện nay. Khi đó, đất nước này sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút phiến quân Hồi giáo cực đoan ở khu vực Bắc Phi.

Ai cung cấp vũ khí?

Khi những cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra ở Benghazi hồi giữa tháng 2, người biểu tình hoàn toàn không có vũ trang. Trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, hàng chục người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, khi biểu tình lan rộng, số người tham gia lên đến hàng ngàn buộc cảnh sát phải thoái lui. Đến ngày 21-2 phe đối lập đã nắm quyền kiểm soát cả thành phố Benghazi và cướp vũ khí từ các trung tâm an ninh trong thành phố.

Phần lớn vũ khí trong các kho này là súng Kalashnikov, đạn, tên lửa, lựu đạn... sản xuất từ thời Liên Xô. Khi bạo động lan rộng khắp miền đông Libya, lực lượng nổi dậy giành quyền kiểm soát nhiều thành phố và chiếm luôn các kho vũ khí ở đó, bao gồm kho vũ khí rất lớn ở một căn cứ quân sự thị trấn Ajdabiya, phía tây Benghazi. Số lượng vũ khí của quân nổi dậy tăng lên, với nhiều loại vũ khí hiện đại hơn như tên lửa vác vai SA-7, súng máy, súng phóng lựu, súng chống máy bay...

Nga và Ý là hai nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho Libya những năm qua. Báo New York Times dẫn lời ông Sergei V. Chemezov, giám đốc Tập đoàn Công nghệ quốc gia Nga, cho biết Matxcơva sẽ mất trắng 4 tỉ USD tiền xuất khẩu vũ khí sang Libya do lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với chính quyền Gaddafi. Ông Chemezov cho biết Tunisia và Ai Cập cũng là bạn hàng mua vũ khí của Nga, và Nga có thể thiệt hại tổng cộng 10 tỉ USD do bạo động ở Trung Đông và Bắc Phi. Tạp chí quân sự Ý Rivista Italiana Difesa cũng dự báo Ý sẽ thiệt hại kinh tế to lớn vì bất ổn ở Libya, bởi từ năm 2004 Ý là nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho Libya với 386 triệu USD.

Lực lượng nổi dậy không phải là một đội quân quy củ, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn nam giới ở Libya đều từng phải nhập ngũ ít nhất sáu tháng. Các sĩ quan quân đội Libya đào ngũ và gia nhập lực lượng nổi dậy đang phải gấp rút huấn luyện cách sử dụng vũ khí cho quân nổi dậy mỗi ngày bốn giờ. Hằng ngày, có thêm hàng ngàn người tràn đến Benghazi để gia nhập lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây nhận định phe nổi dậy ở Libya chưa tập hợp được một lực lượng quân sự có tổ chức.

Hiếu Trung
(Theo The Huffington Post, Aljazeera.net, CBS News)
Báo Tuổi Trẻ, ngày 7.3.2011

No comments:

Post a Comment