22.3.11
Nguyên nhân, đơn giản thôi!
Rõ ràng mục tiêu, mập mờ mục đích
Hai tuần trước khi phát động chiến tranh, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố mục tiêu rất rõ ràng: Gaddafi “phải đi”.
Đến tối hôm qua, 20.3, phó đô đốc William Gortney tuyên bố từ Lầu Năm Góc: “Chúng ta không đuổi theo Gaddafi”. Ngay trước đó, một tiếng nổ khủng khiếp vang lên ở Tripoli, làm sập một phần tổng hành dinh của nhà lãnh đạo Gaddafi. Đó là một quả tên lửa do liên quân bắn vào.
Lực lượng nổi dậy trên đường phố Benghazhi,
cứ địa của họ - Ảnh: Reuters
Tờ New York Times nhận định, đây là một bằng chứng rất rõ ràng cho thấy, dù mục tiêu được tuyên bố có là gì đi chăng nữa thì cuộc chiến mà Mỹ, Anh, Pháp phát động hôm 19.3 cũng đe dọa đến cái ghế của ông Gaddafi.
Sau những tuyên bố rất cứng rắn, cho rằng Gaddafi không có quyền lãnh đạo Libya nữa, Tổng thống Barack Obama - tổng tư lệnh quân đội Mỹ - đang đứng trước một bài toán hóc búa trong bối cảnh nghị quyết của Liên hiệp quốc - cơ sở pháp lý để Mỹ và các đồng minh phát động chiến tranh - không có điều khoản hạ bệ ông Gaddafi. Đến nay, ông Obama tuyên bố rằng mục tiêu cuộc chiến này ở mức giới hạn: dùng vũ lực để bảo vệ nhân dân Libya và hỗ trợ công tác nhân đạo.
Hôm 20.3, phát biểu với hãng truyền thông NBC, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen có cùng tiếng nói: “Mục đích của chiến dịch vào lúc này là giới hạn, không phải để chứng kiến ông ta (Gaddafi) ra đi”.
Khi bị vặn rằng liệu chiến dịch có được coi là hoàn tất hay không nếu ông Gaddafi vẫn còn tại chức, đô đốc Mullen đáp: “Đó cũng có thể là một kết thúc”. Nhưng xem ra, kết thúc này không nằm trong ưu tiên của Mỹ.
Ông Mullen cũng đã tuyên bố các nước trong liên minh quân sự muốn quân đội của chính phủ Libya trở về căn cứ nhưng lại không hề nói lực lượng nổi dậy sẽ làm gì dưới chiếc dù bảo vệ của liên quân.
Xe tăng của Chính phủ Libya bốc cháy do trúng đòn
tấn công của liên quân - Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa Mỹ lập tức chỉ trích mục tiêu của cuộc chiến đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Tờ New York Times dẫn lời Chủ tịch Hạ viện John Boehner: “Chính quyền có nhiệm vụ phải xác định cho nhân dân Mỹ, quốc hội và quân đội của chúng ta biết sứ mạng ở Libya là gì, phải giải thích rành mạch về vai trò của Mỹ để đạt được sứ mạng đó và chỉ rõ xem phải hoàn thành nó như thế nào”.
Chủ tịch Ủy ban vũ trang tại Hạ viện, dân biểu Howard McKeon cũng thắc mắc: “Có phải mục tiêu là để bảo vệ thường dân Libya, hay là để loại bỏ Muammar Gaddafi khỏi quyền lực?”
Rõ ràng, dù mục tiêu được tuyên bố trước thiên hạ có là gì đi chăng nữa thì Gaddafi – vốn có đường lối chống Mỹ suốt mấy chục năm qua - cũng là cái gai to mà Mỹ lúc nào cũng muốn nhổ, nhất là trong bối cảnh đất nước mà ông lãnh đạo lại giàu tiềm lực dầu mỏ. Một quốc gia giàu dầu mỏ do một chính phủ thân Mỹ lãnh đạo chắc chắn sẽ có lợi hơn cho Mỹ và cả các đồng minh phương Tây.
Vấn đề là phải loại bỏ Gaddafi bằng cách nào? Nghị quyết LHQ đưa liên quân tới Libya không có điều khoản phế truất Gaddafi.
Phó đô đốc Gortney từng nói: “Nếu như mà vô tình ông ấy có mặt ở một chỗ nào đấy, nếu ông ấy đang kiểm tra một điểm bắn tên lửa đất đối không nào đấy, và chúng tôi không hề biết rằng ông ấy có mặt ở đó hay không, rồi…” Gortney bỏ lửng câu nói ở đó.
Nhưng kịch bản mà Mỹ mong chờ nhất sẽ là Gaddafi bị giết chết từ chính lực lượng nổi dậy hoặc bất kỳ ai ở bên trong Libya.
Cú sút cuối cùng để hất đổ Gaddafi đang được kỳ vọng
là do phe nổi dậy thực hiện- Ảnh: Reuters
Trong những ngày qua, nhiều chính trị gia ở Mỹ liên tục hối thúc, cho rằng nếu cuộc chiến tranh được phát động sớm, chừng 10 ngày so với thực tế, lúc quân nổi dậy đang nằm ở thế thượng phong, thì chuyện đẩy Gaddafi khỏi quyền lực đã được thực hiện dễ dàng. Nay thì lực lượng của Gaddafi đã tái chiếm lại hầu hết các thành phố, thị trấn bị mất.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cho rằng với sự hậu thuẫn từ trên không của liên quân, phe nổi dậy sẽ mau chóng lấy lại những gì đã mất.
Quả bóng vẫn đang nằm ở chân Mỹ để tha hồ mà dẫn dắt trên chiến trường Libya, tuy nhiên, cú đá cuối cùng để hất đổ Gaddafi đang được kỳ vọng là của phe nổi dậy.
Kiều Oanh
Viết riêng cho Mảnh vụn lịch sử
21.3.11
Vùng cấm bay là gì?
Trong trường hợp Libya, bên ra lệnh cấm bay là Liên Hiệp Quốc khi có quyền cấm các máy bay có hay không có người lái của quân chính phủ Gaddafi bay vào hoặc cất cánh trong phạm vi vùng cấm bay. Vùng cấm bay ở Libya rộng hơn 1,7 triệu km², gấp 6,5 lần vùng cấm bay ở Iraq vào năm 2003.
Theo Trung tâm Chiến lược và tài khóa (CSBA), chi phí để bảo vệ toàn bộ vùng cấm bay tại Libya không hề rẻ, từ 100-300 triệu USD/tuần. Tổng chi phí cho 6 tháng liên tục lên đến 9 tỉ USD.
Việc thiết lập vùng cấm bay nhằm ngăn chặn các cuộc không kích vào các mục tiêu cần được bảo vệ như khu dân cư, kho tàng, cơ sở hạ tầng...
Vùng cấm bay đầu tiên được thiết lập là trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Vùng cấm bay thứ hai được áp đặt vào năm 2003 chống lại chính quyền Saddam Hussein. Năm 1999, NATO đã áp đặt một vùng cấm bay trên không phận Kosovo, nhưng không được sự cho phép của Liên Hiệp Quốc.
Libya: từ biểu tình đến can thiệp quốc tế
THÁNG 2
* 15 đến 19-2: Biểu tình chưa từng có chống chế độ Gaddafi, đàn áp dữ dội tại Benghazi và Al-Baiida.
* 20 đến 22-2: Ðàn áp người biểu tình bằng vũ khí hạng nặng, máy bay chiến đấu và lính đánh thuê.
* 23 đến 25-2: Một vùng rộng lớn từ biên giới với Ai Cập đến tận thành phố Ajdabiya cùng với Tobruk và Benghazi rơi vào tay phe nổi dậy. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho biết có 1.000 người thiệt mạng.
* 28-2: Sau Liên Hiệp Quốc và Mỹ, EU đưa ra những biện pháp trừng phạt Libya.
THÁNG 3
* 1-3: Phe nổi dậy kiểm soát miền đông nhiều dầu hỏa của Libya và nhiều thị trấn ở phía Tây.
* 3-3: Ðiều tra của Tòa án hình sự quốc tế về "băng nhóm" Gaddafi với "những tội ác chống lại loài người".
* 5-3: Hội đồng quốc gia chuyển tiếp tự tuyên bố là "đại diện duy nhất cho Libya".
* 9-3: Quân Gaddafi tái chiếm thành phố Zawiyah. Gaddafi cáo buộc phe nổi dậy là khủng bố do Al-Qaeda xúi giục.
* 10-3: Lực lượng Gaddafi giành lại quyền kiểm soát thành phố Ras Lanuf. Pháp thừa nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp, được thành lập ngày 27-2 của phe nổi dậy ở Benghazi.
*11-3: Hội nghị thượng đỉnh EU: bất đồng về việc thiết lập vùng cấm bay do Pháp và Anh đưa ra.
* 13-3: Quân Gaddafi tái chiếm nhiều thành phố, nhất là thành phố Brega (phía đông).
* 14-3: Quân Gaddafi tái chiếm thành phố Zuara (phía tây).
* 15-3: G8 bác bỏ một sự can thiệp quân sự, nhưng hứa đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt tăng cường.
* 16-3: Ajdabiya, cứ điểm cuối cùng cách nam Benghazi 160km, bị quân Gaddafi tái chiếm và "kiểm soát". Nhiều người vượt qua biên giới phía đông để lánh nạn sang Ai Cập.
* 17-3: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống các lực lượng Gaddafi, mở đường cho các cuộc không kích, thiết lập vùng cấm bay ở Libya. 5/15 nước (Trung Quốc, Nga, Ðức, Brazil và Ấn Ðộ) bỏ phiếu trắng. Ông Gaddafi tuyên bố "hỏa ngục" đang dành sẵn cho những kẻ tấn công vào Libya.
* 18-3: Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo các chiến dịch quân sự nếu Gaddafi không tuân thủ nghị quyết Liên Hiệp Quốc nhưng loại bỏ khả năng có các chiến dịch trên bộ.
Libya tuyên bố ngừng bắn, ngừng mọi hoạt động quân sự. Tripoli ra lệnh đóng cửa bầu trời. Các cuộc tấn công quân sự của quân Libya vẫn tiếp diễn.
* 19-3: Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khởi động chiến dịch can thiệp quân sự quốc tế chống Libya sau hội nghị thượng đỉnh tại điện Élysée. Các máy bay chiến đấu của Pháp thực hiện các cuộc không kích đầu tiên.
(Báo Tuổi Trẻ, ngày 21.3.2011)
Chiến dịch mở cửa bầu trời Libya
Với mục tiêu tấn công hệ thống phòng không của Libya, Mỹ - Anh bắt đầu triển khai kế hoạch tiêu diệt đa giai đoạn nhằm giảm thiểu rủi ro cho các máy bay của liên quân khi di chuyển sâu vào đất liền. Theo đó, phần mở màn của chiến dịch mà người Mỹ gọi là Hừng đông Odyssey (phía Anh gọi là Ellamy) đã diễn ra theo đúng kịch bản với việc phóng tên lửa hành trình Tomahawk để dọn đường cho máy bay chiến đấu. Chiến dịch chống nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi chính thức được mở màn.
Hừng đông Odyssey
Trong chiến dịch phối hợp có quy mô lớn nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lực lượng Anh và Mỹ đã phóng tổng cộng 112 tên lửa Tomahawk từ các tàu tại Địa Trung Hải trong đêm 19.3 đến rạng sáng qua (giờ VN).
CNN đưa tin tổng chỉ huy chiến dịch Hừng đông Odyssey là Đô đốc Mỹ Samuel Locklear, vốn là Tư lệnh Lực lượng liên quân đóng tại Naples (Ý). Ông có mặt trên tàu chỉ huy hạm đội 6 là USS Mount Whitney đang hiện diện tại Địa Trung Hải. Theo Bloomberg dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc, các tên lửa hành trình Tomahawk đầu tiên đã được phóng đi từ 5 tàu Mỹ đang neo gần bờ biển Libya, trong đó có các tàu khu trục USS Stout và USS Barry, cũng như 3 tàu ngầm USS Providence, USS Scranton và USS Florida. Cùng lúc, tàu ngầm lớp Trafalgar của Anh đậu gần đó cũng khai hỏa tên lửa Tomahawk về phía lãnh thổ Libya. Sau 1 giờ bay, nhóm tên lửa đã đến được các mục tiêu trên đất liền, cụ thể là những điểm ở Tripoli và Misrata.
CNN dẫn lời Phó đô đốc Mỹ William Gortney phát biểu tại Lầu Năm Góc cho biết mục tiêu của các tên lửa trên là hơn 20 hệ thống phòng không tại miền tây Libya, bao gồm hệ thống radar, trung tâm liên lạc và các điểm đặt tên lửa SA-5, với tầm bắn xa nhất vào khoảng 300 km. Libya cũng có khoảng 50 tên lửa SA-6, loại mà người Serbia ở Bosnia từng sử dụng để hạ chiếc F-16 của Không lực Mỹ hồi năm 1995.
Về tổng quan, hệ thống phòng không của Libya dựa trên công nghệ vũ khí từ thời Liên Xô, nhưng tướng Gortney cho rằng nó vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với các máy bay nước ngoài di chuyển gần hoặc tiến vào không phận của nước này. Hệ thống phòng không phức hợp của Libya vốn có quy mô tương tự như Iraq, với khoảng 30 điểm đặt tên lửa đất đối không, liên lạc chặt chẽ với 15 trạm radar cảnh báo sớm được đặt dọc theo bờ biển Địa Trung Hải.
Thông thường, tên lửa hành trình là lựa chọn đầu tiên trong các chiến dịch như Hừng đông Odyssey vì liên quân không muốn làm hao tổn phi công một cách không cần thiết. Biện pháp tối ưu vẫn là sử dụng công nghệ định vị toàn cầu để bắn tên lửa một cách chuẩn xác nhất mà không cần triển khai phi công đến tận nơi.
Ngoài ra, tờ Guardian dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox cho hay các máy bay Tornado GR4 của nước này cũng tấn công bằng tên lửa Stormshadow, trong khi một căn cứ không quân của Libya lãnh hơn 40 quả bom từ máy bay tàng hình B2 của Mỹ.
Các bước tiếp theo
Sau khi xác định được hệ thống phòng không của Libya đã bị khống chế và tước mất năng lực chiến đấu, NATO sẽ đổ chiến đấu cơ tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Lần này, các máy bay của liên quân sẽ nhắm bắn các mục tiêu như xe bọc thép, xe tăng, hệ thống tên lửa tầm xa và bệ phóng tên lửa tự hành của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi. Để phục vụ cho giai đoạn 2, NATO tiến hành triển khai các máy bay tiếp nhiên liệu trên không; máy bay do thám không người lái Global Hawk và RC-135 Rivet Joint. Kèm theo đó là các máy bay chống vô tuyến điện EC-130H và EA-6B Prowler của hải quân, cũng như chiến đấu cơ triệt tiêu radar F-16CJ của không quân.
Đến bước thứ 3, sau khi chiến đấu cơ dọn sạch mục tiêu trên mặt đất, phi công của liên quân sẽ bắt đầu tuần tiễu trong khu vực cấm bay do LHQ xác lập, Bloomberg dẫn lời nguyên Phó tư lệnh Không lực châu Âu Charles Wald nhận định.
Nhiều chuyên gia dự đoán Libya không thể nào đương cự nổi cuộc tấn công tổng lực này. Quốc gia Bắc Phi có không lực giới hạn, với khoảng 80% máy bay thuộc vào dạng không thể chiến đấu. Mức độ chuyên nghiệp của phi công cũng như những chiến thuật không chiến không thể nào bì được với các phi công liên quân, theo Lầu Năm Góc. Libya cũng chỉ có hơn 100 chiếc MiG, 30 trực thăng và 15 máy bay vận chuyển.
Nếu so sánh về tương quan lực lượng, trong khu vực hiện có đến 25 tàu của Mỹ, Anh, Canada, Ý tại Địa Trung Hải. Trong số này, Mỹ sở hữu khoảng 11 tàu, gồm 3 tàu ngầm, 2 tàu khu trục, 2 tàu tấn công đổ bộ và tàu chỉ huy hạm đội 6 của Hải quân Mỹ là USS Mount Whitney.
(Báo Thanh Niên, ngày 21.3.2011)
8.3.11
Nghi vấn vũ khí không gian mới của Mỹ
Vụ phóng tàu robot không gian mới của Mỹ làm dấy lên những đồn đoán rằng Lầu Năm Góc đang bí mật thử nghiệm vũ khí không gian mới.
Mỹ vừa phóng tàu vũ trụ không người lái thứ hai vào quỹ đạo thấp của Trái đất, tiếp tục thực hiện sứ mệnh không gian bí mật sau lần phóng thành công hồi cuối năm ngoái, theo AFP. Theo đó, tàu X-37B do Boeing sản xuất rời Mũi Canaveral thuộc bang Florida vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 5.3 (giờ địa phương) trên tên lửa đẩy Atlas V. Trong sứ mệnh lần này, tàu X-37B dự kiến sẽ lưu lại trên quỹ đạo Trái đất trong 270 ngày, nhưng Không lực Mỹ cho biết thời gian này có thể kéo dài hơn. Chiếc X-37B đầu tiên đã lưu lại trên quỹ đạo 224 ngày. Đây là thế hệ tàu không gian hiện đại, sử dụng năng lượng mặt trời.
Chương trình tuyệt mật
Nhắc đến sự kiện hồi tháng 12.2010, Boeing khẳng định Mỹ đã ghi danh vào lịch sử là quốc gia đầu tiên có tàu không gian không người lái tự động điều khiển phóng lên quỹ đạo và quay về Trái đất. Theo giới lãnh đạo Boeing, điều quan trọng nhất là X-37B có thể được tái sử dụng cho nhiều sứ mệnh không gian khác nhau, đồng thời là phương pháp hiệu quả để thử nghiệm các công nghệ mới trên không gian và mang kết quả về Trái đất. Tuy nhiên, giới truyền thông và các đối thủ của Mỹ không chú ý đến tác dụng khoa học của X-37B mà tập trung vào khả năng quân sự của con tàu này.
Trong thông cáo trên website Không lực Mỹ, một quan chức cấp cao chịu trách nhiệm chương trình không gian là Gary Payton nhấn mạnh sự thành công của X-37B có thể giúp Washington tiếp cận không gian nhanh nhạy hơn, cho phép quân đội phản ứng tức thời khi có sự cố. Từ đó, một số nhà quan sát suy ra rằng dự án X-37B thực chất được thiết kế để giúp Mỹ tăng cường khả năng tình báo, còn những người khác cho rằng đây là bước đi đầu tiên phát triển vũ khí không gian có khả năng bắn hạ vệ tinh đối thủ hoặc dội bom từ quỹ đạo xuống mục tiêu bất kỳ trên mặt đất. Trước những lời đồn đoán ngày càng lan rộng, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn không hé răng về X-37B, chỉ nói rằng đây là chương trình thử nghiệm bí mật.
Vũ khí tấn công siêu tốc?
Theo website Space.com, các đối thủ của Mỹ trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang nghĩ rằng X-37B phải là một thứ vũ khí không gian. Mọi thông tin về con tàu, từ các thiết bị được mang theo đến nội dung các cuộc thí nghiệm của nó, đều vào dạng tuyệt mật. Giới phân tích cho rằng Mỹ đang tiến hành thử nghiệm các công nghệ mới cho phép đẩy nhanh tốc độ phóng tàu lên vũ trụ cũng như rút tàu về mặt đất. Trong suốt 224 ngày trên vũ trụ hồi cuối năm ngoái, tàu X-37B được ghi nhận liên tục thay đổi quỹ đạo, chứng tỏ khả năng di chuyển vô cùng cơ động. Thiết kế đặc biệt cũng cho phép tàu tùy ý hạ cánh bất cứ nơi nào mà không cần xác định quỹ đạo trước. Điều quan trọng nữa là X-37B rất khó bị phát hiện vì liên tục thay đổi quỹ đạo. Đó là chưa kể đến việc nó có khả năng chuyên chở tốt, đủ để mang theo các loại vũ khí từ tên lửa đến tia laser.
Dù vô tình hay hữu ý, các thông tin về X-37B đều khiến người ta liên tưởng đến chiến lược quân sự sắp tới của Mỹ: tăng cường khả năng triển khai chớp nhoáng các loại vũ khí thông thường đến bất kỳ mục tiêu nào trên Trái đất trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, các loại tên lửa quy ước lại có tốc độ và tầm bắn hạn chế nên để đạt được mục tiêu trên, Lầu Năm Góc cần có những phương tiện siêu hiện đại, linh hoạt và có tốc độ cao để mang và phóng tên lửa. Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng X-37B là một phần trong dự án chế tạo và hoàn thiện chúng.
Ngoài ra, để tăng sự cơ động cho tên lửa, Không lực Mỹ cũng đang kỳ vọng vào dòng tàu lượn siêu thanh (HTV) được phóng lên thượng tầng khí quyển và có khả năng di chuyển ở vận tốc Mach 20 (6.805,8m/giây). Tuy nhiên, trong cuộc thử nghiệm vào tháng 4.2010 của Cơ quan Nghiên cứu phòng thủ Mỹ, chiếc HTV-2 bị mất kiểm soát sau khi được phóng lên khoảng 9 phút.
Vẫn còn nhiều đồn đoán xung quanh X-37B, một dự án ban đầu của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) nhưng lại được chuyển sang tay quân đội Mỹ. Trong bối cảnh có thông tin Trung Quốc đang bí mật thử nghiệm vũ khí bắn hạ vệ tinh và Ấn Độ cũng khởi động chương trình tương tự, những gì diễn ra tại Mỹ cho thấy nguy cơ chạy đua vũ trang trong vùng không gian cận Trái đất có những diễn biến khó lường.
Thông số cơ bản về X-37B
Với chiều dài khoảng 8,9m, X-37B chỉ dài bằng 1/4 tàu không gian thông thường, với sải cánh 4,5m và trọng lượng dưới 5 tấn. Không giống như các thế hệ tàu con thoi, X-37B được phóng như vệ tinh với sự hỗ trợ của tên lửa Atlas V. X-37B đầu tiên là chương trình của NASA, được nghiên cứu từ năm 1999 đến 2004 với mục đích ban đầu là phương tiện giao thông và cứu hộ cho phi hành đoàn trên Trạm không gian quốc tế (ISS).
Thụy Miên
(Báo Thanh Niên, 9.3.2011)
6.3.11
Phe đối lập Libya là ai?
Những ngày qua, khi đưa tin về tình hình Libya, báo chí quốc tế liên tục viết “quân nổi dậy đang chiến đấu”, “quân nổi dậy đang làm chủ Benghazi” hay “quân nổi dậy kêu gọi nước ngoài can thiệp quân sự”... Họ là ai? Ai đứng sau họ? Ai cung cấp vũ khí cho họ?
Đó là những câu hỏi không dễ trả lời, nhất là trong tình cảnh hỗn loạn hiện nay ở Libya. “Lực lượng nổi dậy” bao gồm nhiều thành phần với những khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau.
Họ là ai?
Thực tế Libya từ lâu đã như bị chia đôi, một nửa nước nằm quanh thủ đô Tripoli và một nửa khác nằm quanh thành phố miền đông Benghazi. Hai thành phố này cách nhau khoảng 772 km. Lịch sử Libya được hình thành từ khoảng 140 bộ tộc. Cả Tripoli và Benghazi đều có nhiều bộ tộc kiểm soát từng lãnh địa riêng. Ở Tripoli, bộ tộc quyền lực nhất là Gadhadfa của nhà lãnh đạo Gaddafi. Trong khi đó, ở Benghazi bộ tộc lớn nhất là Senoussi, “kẻ thù không đội trời chung” với Gadhadfa. Trước khi ông Gaddafi lên nắm quyền, bộ tộc Senoussi nắm quyền kiểm soát Libya. Trước đây, Gadhadfa được nhiều bộ tộc trên cả nước ủng hộ.
Các nhà quan sát phương Tây cho biết trong hơn 40 năm trị vì, ông Gaddafi đã chơi ván cờ bộ tộc cực kỳ hiệu quả. Bằng cách vừa sử dụng nguồn thu từ dầu hỏa vừa kín đáo kích động sự thù địch giữa các bộ tộc, ông Gaddafi đã có được sự thuần phục và trung thành của các bộ tộc cũng như thiết lập được một mạng lưới kiểm soát hiệu quả. Các bộ tộc cạnh tranh đều có đại diện trong quân đội. Theo tài liệu ngoại giao Mỹ, trong những năm qua, ông Gaddafi bắt đầu trục xuất những nhân vật quan trọng trong quân đội thuộc các bộ tộc khác, thay thế bằng những cá nhân trung thành với ông ta. Phần lớn các vị trí quan trọng trong quân đội và chính phủ đều thuộc về các thành viên của bộ tộc Gadhadfa.
Do đó, khi bạo động bùng phát, các bộ tộc đã quay lưng chống lại ông Gaddafi. Bộ tộc lớn nhất ở Libya là Warfala đã gia nhập lực lượng nổi dậy. Bộ tộc này có cả triệu người, đóng vai trò quan trọng ở các thành phố phía bắc như Bani Walid, Tripoli và Benghazi. Bộ tộc Tarhuna cũng có gần một triệu người, bao gồm 350.000 người ở Tripoli, cũng nối bước Warfala. Còn phải kể đến các bộ tộc Zawiya ở vùng miền đông giàu dầu mỏ, Bani Walid và Zintan. Các bộ tộc này đã kêu gọi con cháu mình rời bỏ quân đội và gia nhập phe nổi dậy. Ví dụ như nhà Bani Walid đã rút toàn bộ con cháu ra khỏi các lữ đoàn an ninh của chính quyền Gaddafi.
Benghazi, thành phố lớn thứ hai ở Libya, hiện là căn cứ địa của Hội đồng quá độ quốc gia (NTC) mới được thành lập dưới sự lãnh đạo của cựu bộ trưởng tư pháp Mustafa Abdel-Jalil. NTC bao gồm đại diện các binh lính quân đội đã rời bỏ Gaddafi, các thủ lĩnh bộ tộc, cựu quan chức chính phủ và các quan chức mới được chỉ định ở những thành phố và thị trấn nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng chống chính phủ.
Benghazi cũng là đại bản doanh của một nhóm chính trị trẻ hơn, có tên là nhóm 12-2, với các thành viên chủ yếu là giới trí thức ở Benghazi. Ngoài ra, còn có các sĩ quan quân đội rời bỏ hàng ngũ của ông Gaddafi và hiện đang chỉ huy các nhóm quân nổi dậy. Một trong số đó là tướng Abdul Fatah Younis, cựu bộ trưởng nội vụ. Ông Younis đã từ chức ngay sau khi cuộc nổi dậy bùng lên và kêu gọi quân đội chống lại ông Gaddafi.
Cũng không thể không nhắc đến những thành viên còn lại của Nhóm chiến đấu Libya, một tổ chức theo mô hình Al Qaeda, có quan hệ với các phiến quân Hồi giáo trốn tù khi bạo loạn bùng phát. Giới quan sát quốc tế nhận định sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp lực lượng này. Nhiều chuyên gia chính trị lo ngại cuộc nổi dậy ở Libya có thể biến thành một cuộc nội chiến và chia rẽ đất nước Libya thành nhiều vùng do từng bộ tộc kiểm soát, hoàn toàn tách ly với chính quyền trung ương, kiểu như Somalia hiện nay. Khi đó, đất nước này sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút phiến quân Hồi giáo cực đoan ở khu vực Bắc Phi.
Ai cung cấp vũ khí?
Khi những cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra ở Benghazi hồi giữa tháng 2, người biểu tình hoàn toàn không có vũ trang. Trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, hàng chục người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, khi biểu tình lan rộng, số người tham gia lên đến hàng ngàn buộc cảnh sát phải thoái lui. Đến ngày 21-2 phe đối lập đã nắm quyền kiểm soát cả thành phố Benghazi và cướp vũ khí từ các trung tâm an ninh trong thành phố.
Phần lớn vũ khí trong các kho này là súng Kalashnikov, đạn, tên lửa, lựu đạn... sản xuất từ thời Liên Xô. Khi bạo động lan rộng khắp miền đông Libya, lực lượng nổi dậy giành quyền kiểm soát nhiều thành phố và chiếm luôn các kho vũ khí ở đó, bao gồm kho vũ khí rất lớn ở một căn cứ quân sự thị trấn Ajdabiya, phía tây Benghazi. Số lượng vũ khí của quân nổi dậy tăng lên, với nhiều loại vũ khí hiện đại hơn như tên lửa vác vai SA-7, súng máy, súng phóng lựu, súng chống máy bay...
Nga và Ý là hai nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho Libya những năm qua. Báo New York Times dẫn lời ông Sergei V. Chemezov, giám đốc Tập đoàn Công nghệ quốc gia Nga, cho biết Matxcơva sẽ mất trắng 4 tỉ USD tiền xuất khẩu vũ khí sang Libya do lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với chính quyền Gaddafi. Ông Chemezov cho biết Tunisia và Ai Cập cũng là bạn hàng mua vũ khí của Nga, và Nga có thể thiệt hại tổng cộng 10 tỉ USD do bạo động ở Trung Đông và Bắc Phi. Tạp chí quân sự Ý Rivista Italiana Difesa cũng dự báo Ý sẽ thiệt hại kinh tế to lớn vì bất ổn ở Libya, bởi từ năm 2004 Ý là nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho Libya với 386 triệu USD.
Lực lượng nổi dậy không phải là một đội quân quy củ, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn nam giới ở Libya đều từng phải nhập ngũ ít nhất sáu tháng. Các sĩ quan quân đội Libya đào ngũ và gia nhập lực lượng nổi dậy đang phải gấp rút huấn luyện cách sử dụng vũ khí cho quân nổi dậy mỗi ngày bốn giờ. Hằng ngày, có thêm hàng ngàn người tràn đến Benghazi để gia nhập lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây nhận định phe nổi dậy ở Libya chưa tập hợp được một lực lượng quân sự có tổ chức.
(Theo The Huffington Post, Aljazeera.net, CBS News)
Báo Tuổi Trẻ, ngày 7.3.2011
Lạng Sơn, những ngày tháng hai
Mặc dù vẫn có dịp gặp nhau hằng năm, nhưng với những cựu quân nhân của Quân đoàn 14, cuộc gặp năm nay vẫn là một sự kiện đặc biệt. Đây là lần đầu tiên lễ kỷ niệm được tổ chức tại chính Lạng Sơn, mảnh đất tiền tiêu mà 32 năm trước đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất của quân và dân ta để giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc... Với nhiều đồng đội cũ, đây là cuộc gặp gỡ sau hàng chục năm xa cách. Người đã chuyển ngành, người vẫn phục vụ trong quân đội nhưng dường như mọi ký ức, tình cảm của những người lính Quân đoàn 14 vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào.
Nhiều cựu chiến binh đã rất xúc động khi gặp lại cụ Lường Thị Kim, 87 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Lạng Sơn. Thời kỳ chiến tranh, cụ Kim đã cùng với các mẹ, các chị đã tới từng chiến hào để động viên những người lính chiến đấu. Những người lính trẻ đã kính trọng gọi bà là “mẹ Kim”, là “bà chính ủy”.
Đầu tháng 2.1979, ông Vũ Hữu Túy lúc đó là trung đội trưởng của Lữ đoàn 22 thuộc Bộ tư lệnh tăng thiết giáp làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Nội Bài. Khi tình hình biên giới với Trung Quốc căng thẳng, đơn vị ông được điều động lên Lạng Sơn, sau đó sáp nhập cùng trung đoàn tăng - thiết giáp 407 làm nhiệm vụ chặn đánh địch ở phía đường 4 - Na Dương. Quê gốc ở Nam Định nhưng khi Quân đoàn giải thể năm 1988, ông Túy đã chọn ở lại mảnh đất mà ông đã gắn bó cả một thời trai trẻ. Sau hơn 20 năm xa cách, hôm nay ông mới gặp lại đại tá Đỗ Vinh, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 407 và hiện vẫn đang công tác tại một học viện của quân đội.
Những câu chuyện thân tình như họ mới chỉ tạm biệt nhau ngày hôm qua. Cũng như ông Túy, đã có rất nhiều cựu quân nhân chọn ở lại mảnh đất Lạng Sơn để gắn bó cuộc đời sau khi giã từ nghiệp lính. “Hơn 30 năm sau chiến tranh, cuộc sống của người dân xứ Lạng đã thanh bình, sung túc; nhưng chúng ta vẫn cần nhắc nhở các thế hệ sau về một trang sử đã qua để những ngày tháng đó không bao giờ lặp lại”, ông Túy nói.
Trận đánh bên sông Kỳ Cùng
32 năm trước, theo quyết định của Bộ Chính trị, ngày 24.2 Quân đoàn 14 được hình thành tại mặt trận Lạng Sơn. Thiếu tướng Nguyễn Hiền, nguyên Chỉ huy phó chính trị Quân đoàn 14 cho biết: lực lượng của Quân đoàn lúc đó gồm có 5 sư đoàn bộ binh cùng 6 trung đoàn pháo binh, cao xạ, tăng thiết giáp, công binh, thông tin trực thuộc. Tổng quân số của quân đoàn lúc đó khoảng 8 vạn người.
Cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương, Quân đoàn đã có nhiều trận đánh lớn như trận Đồng Đăng, trận đồi Chậu Cảnh của Sư đoàn 3, trận cầu Khánh Khê trên đường 1B của sư đoàn 337, trận đánh tập kích vào sau lưng địch của sư đoàn 338. Mặc dù huy động một lực lượng lớn gấp nhiều lần ta (3 quân đoàn địch tiến đánh 2 sư đoàn ta), tấn công ào ạt nhưng chúng đã bị đánh trả khắp nơi, càng tiến sâu càng thiệt hại nặng nề. Tấn công ta từ 17.2.1979 theo hướng từ Hữu Nghị quan về thị xã Lạng Sơn nhưng tới ngày 3.3.1979 địch mới tới được bờ bắc sông Kỳ Cùng với tốc độ tiến quân chưa đến 0,8 km/ngày. Ngày 5.3.1979, địch buộc phải tuyên bố rút quân vô điều kiện. Quân đoàn 14 sau đó đã vinh dự được mang phiên hiệu Binh đoàn Chi Lăng, tên gọi gắn với những chiến công vang dội của cha ông tại vùng biên viễn.
Nhắc tới những người lính đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ biên cương, đại tá Nguyễn Chấn, nguyên chính ủy Sư đoàn 337 không kìm được xúc động. Những giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt người chỉ huy cả đời đánh giặc. Năm nay đã gần 90 tuổi, tham gia cách mạng từ năm 1945, ông đã từng kinh qua những cuộc chiến tranh ác liệt nhất, từ đánh Pháp, đánh Mỹ rồi đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Cho đến giờ những hình ảnh về những người lính mà phần đông ở tuổi mười tám đôi mươi đã ngã xuống trong cuộc chiến “chớp nhoáng” 32 năm về trước vẫn in đậm trong ký ức ông.
“Tinh thần của bộ đội ta thời kỳ đó phải nói là vô cùng ghê gớm. Đã đánh nhau nếu nói là không sợ chết là không đúng. Không có ai muốn chết cả, không ai muốn vợ mình thành góa bụa, con mình thành côi cút.... Lúc đó cấp trên cũng có cần giáo dục, động viên nhiều đâu. Nhưng người lính là như thế, vì Tổ quốc, vì danh dự, vì nhiệm vụ họ sẵn sàng xả thân”, đại tá Nguyễn Chấn nói. Tâm tư lớn nhất của đại tá Nguyễn Chấn cùng các cựu chiến binh của Quân đoàn 14 đó là mong muốn mai đây, trên mảnh đất này một ngôi đền thờ những người lính mọi thời đại đã ngã xuống vì mảnh đất quê hương sẽ được dựng nên.
Có mặt trong dịp kỷ niệm này còn có đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy hiện tại của Sư đoàn 337. Chuyến về thăm Lạng Sơn dịp này của đại tá Đấu còn mang một mục đích khác. Đó là thu thập, bổ sung thêm một số tư liệu cho một cuốn sách về lịch sử đơn vị đang được biên soạn. “Sư đoàn 337 giờ đây đã được chuyển thành đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng nhưng những chiến công gắn với công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc mãi mãi là những trang sử chói lọi nhất của sư đoàn”, đại tá Đấu nói.
Sau năm 1979, Sư đoàn 337 được mang phiên hiệu đoàn Khánh Khê, tên cây cầu đã gắn với lịch sử sư đoàn. Năm 1979, Sư đoàn 337 đang làm nhiệm vụ tại Quân khu 4 thì được điều động lên biên giới phía Bắc. Vừa hành quân thần tốc “dặm bước thần kỳ phong cách Quang Trung” vừa bổ sung lực lượng, đến ngày 25.2.1979, cơ bản lực lượng của Sư đoàn đã vượt qua 500 km từ Nghệ An đến Lạng Sơn và ngay lập tức bước vào chiến đấu.
Nhiệm vụ của sư đoàn lúc đó được trên giao là ngăn chặn thê đội 2 của địch tấn công theo hướng đường 1B với ý đồ vu hồi phía sau thị xã Lạng Sơn. “Nếu chúng thực hiện được việc này Lạng Sơn sẽ hoàn toàn bị chia cắt, lúc đó sẽ rất khó đuổi chúng đi, hoặc nếu có đi cũng sẽ kèm theo những điều kiện rất ghê gớm”, đại tá Nguyễn Chấn nhớ lại.
Trong suốt cuộc chiến đấu 12 ngày đêm chống quân xâm lược tại tuyến phòng thủ này, những người lính của 337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã chiến đấu anh dũng, kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” quyết không để địch vượt qua được sông Kỳ Cùng. Từ 28.2 - 5.3.1979 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, địch lợi dụng lực lượng áp đảo đã mở nhiều cuộc tấn công sống chết nhằm vượt sông đều bị ta đánh bật trở lại.
Sáng 28.2.1979, địch huy động hai quân đoàn và dân binh cùng hàng trăm khẩu pháo các loại nổ súng tấn công toàn tuyến phòng ngự của sư đoàn. “Cuộc chiến đấu tại điểm cao 649, điểm cao nhất trong hệ thống điểm cao tại quanh khu vực cầu Khánh Khê diễn ra cực kỳ ác liệt, ta bắn sang địch được một viên đạn thì chúng đáp trả một trăm lần”, đại tá Hoàng Hoa Chiến, nguyên trưởng ban tác chiến sư đoàn 337 nhớ lại. Tại điểm cao này, đại đội 9 thuộc tiểu đoàn 3 do trung đội trưởng Trần Minh Lệ đã kiên cường chống trả gần 13 đợt tấn công của địch. Sau hai ngày chiến đấu phía ta đã thương vong nhiều, lương thực và đạn dược đều cạn trong khi lực lượng của địch vẫn liên tục áp đảo. Bị thương nặng, anh Trần Minh Lệ vẫn không rời trận địa mà chờ địch vào gần mới giật thủ pháo tiêu diệt và đã hy sinh anh dũng.
Theo tài liệu tổng kết của 337, ước tính ta đã tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, phá 8 xe tăng và thu được một số vũ khí, chặn đứng và đánh bại ý định vu hồi bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch. Thế nhưng cũng đã có hơn 650 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 đã vĩnh viễn nằm xuống hai bên bờ sông Kỳ Cùng...
Trong thành phần của Sư đoàn 337 còn có Trung đoàn 197 nguyên là lực lượng bộ đội địa phương của tỉnh Bắc Thái (này là Thái Nguyên). Đây là đơn vị đã cơ động lên Lạng Sơn ngay trong ngày 17.2.1979 sau khi nổ ra chiến sự. Sau đó Trung đoàn 197 được phối thuộc cùng Sư đoàn 337 và tham gia các trận đánh ác liệt tại khu vực cầu Khánh Khê. Trong một trận đánh tại điểm cao 607 (đồi Xanh) một tiểu đội chỉ có 7 người do đại đội trưởng Vi Văn Thắng chỉ huy đã kiên cường chiến đấu với một mũi tiến công hàng trăm tên địch. Đạn hết, cả tiểu đội đã ôm lê xông lên đánh giáp là cà với địch và giữ trận địa đến lúc tất cả đều hy sinh. Xác các anh nằm chồng lên xác địch, mắt nhắm, tắt thở nhưng tay không rời súng. Sau chiến tranh người dân đã gọi ngọn đồi nơi các anh hy sinh là đồi Vi Văn Thắng.
Trước khi rời Lạng Sơn, chúng tôi cùng đại tá Đấu đến thăm lại cây cầu Khánh Khê lịch sử. Nối hai bờ sông Kỳ Cùng giờ đây đã có cây cầu Khánh Khê mới cách xa cầu cũ chừng 500m. Một công trình thủy điện nhỏ đang được thi công ngay gần đó. Sau khi công trình này hoàn thành, cây cầu Khánh Khê cũ sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Thế nhưng vẫn còn đó tấm bia bê-tông được đúc hơn ba mươi năm về trước ghi lại chiến công của sư đoàn 337 cùng quân dân huyện Văn Quan chặn đứng quân xâm lược những ngày tháng 3.1979. Những người thợ thi công biết ở đây từng có bộ đội hy sinh nên đã đặt trên tấm bia một bát hương. Những dấu tích của thời gian và con người đã xóa mờ một vài chỗ trên tấm bia. Thế nhưng người ta vẫn có thể đọc được dòng chữ “... Sư đoàn 337 đã đánh bại và chặn đứng quân... xâm lược”.
(Báo Thanh Niên, 6.3.2011)