Cùng với việc dồn dập không kích thủ đô Tripoli của Libya trong mấy ngày nay, các bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào hôm nay (8.6) có cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các bước tiếp theo nhằm "hạ bệ" nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Theo hãng tin AFP, cuộc gặp lần này tại Brussels nhằm kêu gọi các thành viên NATO tích cực đóng góp hơn cho chiến dịch không kích nhắm vào ông Gaddafi bắt đầu từ ngày 19.3 qua, nhằm thúc đẩy chuyển biến nhanh hơn tại đất nước xuất khẩu dầu mỏ ở Bắc Phi này.
Hiện chỉ có tám trong số 28 thành viên của NATO này là tham gia tích cực vào chiến dịch, trong đó Anh và Pháp thực hiện hầu hết các cuộc không kích. Một số khác đảm nhiệm vài nhiệm vụ nhỏ, còn hơn 12 nước không có bất cứ đóng góp nào.
Tuần rồi, NATO đã có quyết định kéo dài chiến dịch nhắm vào chính quyền ông Gaddafi thêm ba tháng, để tiếp tục bảo vệ dân thường theo Nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc.
Các chiến đấu cơ của NATO tiếp tục quần đảo bầu trời Tripoli trong hôm nay (8.6) và nã các loạt tên lửa vào những khu vực dinh thự của ông Gaddafi. Lúc rạng sáng nay (giờ địa phương, khoảng 6 giờ 45 phút sáng 8.6, giờ VN), nhiều tiếng nổ lớn đã xảy ra tại các khu dinh thự của ông Gaddafi ở Bab al-Aziziya.
Trong ngày hôm qua, NATO đã thực hiện đợt không kích lớn nhất từ trước đến nay và thực hiện giữa ban ngày. AFP dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Libya Mussa Ibrahim cho biết, các máy bay liên quân phương Tây đã thực hiện khoảng 60 đợt không kích vào Tripoli, giết chết 31 người. Hầu hết các khu nhà tại Bab al-Aziziya đã bị san phẳng.
Mặc dù trước áp lực ngày càng lớn của các đợt không kích, nhà lãnh đạo Libya trong 42 năm qua vẫn khẳng định ông không đầu hàng. Trong thông điệp gửi những người ủng hộ mình tối qua, đại tá Gaddafi nói, sẽ không bao giờ rời bỏ đất nước, sẽ chiến đấu đến cùng hoặc là chết. "Tử vì đạo còn tốt hơn triệu lần so với đầu hàng", BBC trích lời ông nói.
Trong một diễn biến khác, thêm một quan chức cao cấp của chính quyền ông Gaddafi quay sang phe đối lập. Theo BBC, Bộ trưởng Lao động Libya al-Amin Manfur đã bỏ nhiệm sở, và đang trên đường đến thành trì của quân nổi dậy, Benghazi, để gia nhập lực lượng chống chính phủ.
Hiện Nga và Trung Quốc cũng đang nỗ lực với các hoạt động ngoại giao độc lập của mình. Hôm 7.6, ông Mikhail Margelov, đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách các vấn đề châu Phi đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của lực lượng nổi dậy, Mustafa Abdul Jalil, tại Benghazi.
Ông Margelov cho biết, Nga đã chuẩn bị hỗ trợ tài chính cho lực lượng nổi dậy nhưng phản đối bất kỳ sự leo thang xung đột nào. Trong khi đó, lãnh đạo phe nổi dậy nói họ sẵn sàng nhận viện trợ của Nga nhưng tiếp tục khẳng định sẽ không có đàm phán trước khi ông Gaddafi ra đi, theo AFP.
Hiện Ngoại trưởng Libya Abdul al-Obeidi Ati đang công du Trung Quốc nhằm tìm kiếm tiếng nói của đất nước đông dân nhất hành tinh này. Bắc Kinh cũng thông báo đại diện của họ đã đến Benghazi để tìm hiểu tình hình.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama họp báo sau cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định, áp lực dành cho ông Gaddafi sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi nhà lãnh đạo Libya ra đi, theo BBC. "Tôi nghĩ rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi ông Gaddafi ra đi", Tổng thống Obama nói.
Tiến Dũng
(Báo Thanh Niên)
(Báo Thanh Niên)
No comments:
Post a Comment