24.6.11
21.6.11
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vô căn cứ
cùng thượng nghị sĩ John McCain (thứ hai từ trái sang) tại
buổi tiếp tân tối 20-6 ở Trung tâm CSIS - Ảnh: T.Tuấn
Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh biển Đông là vấn đề quan trọng đối với an ninh nước Mỹ. Căng thẳng ở đây phải được giải quyết đa phương và hi vọng bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc giữ lời.
Thượng nghị sĩ John McCain thuộc Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ có mặt tại buổi tiếp tân tối 20-6 (sáng 21-6 giờ VN) ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế (CSIS), ông McCain cho rằng cần nói ra những lời thẳng thắn với Trung Quốc. “Thủ phạm” gây nhiều căng thẳng ở biển Đông và khiến giải pháp hòa bình thêm khó khăn là những hành vi hiếu chiến cùng những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc.
“Điều khiến tôi khó chịu và chắc nhiều bạn cũng vậy là tuyên bố đòi chiếm gần như cả biển Đông của Trung Quốc, một tuyên bố hoàn toàn không có cơ sở luật pháp quốc tế nào, là hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc để thực hiện cái mà họ nói là “đúng đắn” ngay trong phạm vi 200 hải lý (vùng đặc quyền) của một số nước ASEAN như Việt Nam và Philippines gần đây.
Cái được gọi là “đường chín đoạn” là coi tất cả các đảo ở biển Đông và vùng nước xung quanh đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, một số cách giải thích luật quốc tế của Trung Quốc sẽ làm mất quyền tự do thông thương hàng hải, bóp méo cách tiếp cận từ mở rộng sang đóng kín. Một số ý kiến ở Trung Quốc còn gọi đây là cuộc chiến pháp lý”.
Đề cập những lý do vì sao Mỹ phải quan tâm tới tranh cãi về biển của các nước cách nửa vòng trái đất, ông McCain nêu rõ ngoài lý do kinh tế, “mối lo lớn hơn là lý do chiến lược. Trung tâm địa - chính trị thế giới đang dần chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều nước đang cùng vươn lên. Nước Mỹ có lợi ích an ninh quan trọng trong việc duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực cốt yếu này.
Trọng tâm chính là quyền được tự do đi lại trên biển - nguyên tắc nền tảng của trật tự quan hệ quốc tế. Các nỗ lực ngăn chặn quyền tự do đi lại trên biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự thế giới mà Mỹ và các đồng minh đã duy trì trong nhiều thập niên.
Nếu một nước lại có thể tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực và biến biển Đông thành vùng không thể đi lại đối với tàu thuyền thương mại và quân sự của các nước, trong đó có nước Mỹ, thì hậu quả sẽ là nghiêm trọng. Nó có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm làm suy giảm hệ thống luật pháp quốc tế, khích lệ các nước đang nổi lên khác dùng vũ lực tước đoạt những thứ mà luật pháp thông thường không cho phép”.
Về sự hỗ trợ của Mỹ đối với ASEAN, thượng nghị sĩ McCain cho rằng: “Nên nhìn nhận việc giải quyết xung đột là tăng cường đoàn kết giữa các thành viên ASEAN, là giúp các thành viên ASEAN xây dựng khả năng phòng thủ bờ biển, xây dựng các hệ thống cơ bản như hệ thống rađa phát hiện sớm, tàu tuần tra bờ biển; là tăng cường các hoạt động tập trận, tăng cường khả năng ứng phó đối với các mối đe dọa”.
Cần thúc đẩy ký kết COC
Tiếp tục cuộc hội thảo chiều 20-6 (giờ Mỹ), các học giả cho rằng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc cùng giai đoạn chuyển giao lãnh đạo sắp tới là một nguyên nhân dẫn tới căng thẳng gần đây trên biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc của Freeman Chair China Studies thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của Mỹ (CSIS), cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đẩy các vấn đề xã hội chính trị nóng bỏng trong nước (như việc tiến hành chuyển giao thế hệ lãnh đạo, chủ nghĩa dân tộc gia tăng...) ra bên ngoài để làm giảm sức ép trong nước.
Quan điểm này cũng được giáo sư Carle Thayer của Học viện Quốc phòng Úc chia sẻ bên cạnh giả thuyết là hành động tùy tiện của chính quyền địa phương và cơn khát dầu mỏ cho sự phát triển của Trung Quốc.
Về việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 ngay trước và sau thềm hội nghị an ninh lớn ở Shangri-La, các học giả cho rằng chủ đích của Trung Quốc là để đo phản ứng của các nước, đặc biệt là Mỹ, đối với các động thái gây hấn của mình. Trên góc độ nào đó, Trung Quốc đã cảm thấy mình có khả năng thách thức trật tự mà Mỹ đang kiểm soát.
Ông Henry S. Bensurto, tổng thư ký Ủy ban các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines, cho rằng đã đến lúc Mỹ cần làm rõ hơn lập trường của mình.
“Dù Mỹ không nói sẽ không tuyên bố ủng hộ cụ thể chủ quyền của ai, Mỹ cần lên tiếng rõ quan điểm của mình về việc Trung Quốc dựa vào đáy biển để đòi chủ quyền. Không nên để sự lập lờ, thiếu rõ ràng như hiện tại”.
Trong khi đó ông Dino Patti Djalal, đại sứ Indonesia - nước chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cho rằng: “Bất cứ điều gì xảy ra đều ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến toàn bộ các nước khác trong ASEAN”. Cách giải quyết tốt nhất, theo ông, ASEAN phải tiếp tục xây dựng niềm tin. Đó cũng là một trong ba nhân tố cấu thành của Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) và tiến đến xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).
Theo ông Dino, COC hiện chỉ còn vướng một, hai điều và Indonesia sẽ cố thúc đẩy việc tiến tới ký kết COC. Việc ký COC sẽ giúp tình hình biển Đông diễn biến theo chiều hướng dễ nắm bắt và có thể kiểm soát được.
(tường thuật từ Washington DC, Mỹ)
(Báo Tuổi Trẻ, 22.6.2011)
20.6.11
Đoàn Tên lửa Phòng không S: Làm chủ dàn tên lửa tối tân S-300PMU1
trên xe sẵn sàng khai hỏa
Đài ra-đa chiếu xạ và điều khiển ở trạng thái
chiến đấu
Trung úy Mai Hoàng Dũng - Lái xe kiêm trắc thủ bệ phóng
làm công tác chuẩn bị chiến đấu
Thượng úy Trần Quang Hải - Phân đội trưởng Phân đội
ra-đa chỉ huy kíp chiến đấu
Hệ thống ra-đa hoạt động với nhiều ưu điểm nổi trội
có thể kiểm soát cả vùng rộng lớn trên lãnh thổ
Xe bệ phóng triển khai chiến đấu
Trắc thủ bệ phóng triển khai cọc đất bệ phóng
Ngay cạnh buồng lái của xe là hệ thống nút điều khiển để
lái xe sẵn sàng tác chiến
Tuổi Trẻ Online giới thiệu phóng sự ảnh cận cảnh, cụ thể hơn về hệ thống vũ khí này cũng như hoạt động làm chủ trang bị, khí tài hiện đại của chiến sĩ phòng không không quân, đảm bảo ngăn chặn mọi cuộc tập kích bằng đường không vào VN, kể cả từ hướng biển…
Hệ thống tên lửa S-300PMU1 của Nga được thiết kế riêng cho VN là một trong những vũ khí tối tân không chỉ của Quân đội VN mà còn được đánh giá rất cao trên thế giới. Hiện nay, hệ thống này được Đoàn Tên lửa Phòng không S (Quân chủng Phòng không - Không quân) quản lý phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Thượng tá Lê Văn Thanh - Đoàn trưởng Đoàn tên lửa S cho biết: “S-300PMU1 được đánh giá rất cao trong việc phòng thủ. Tuy với hệ thống phương tiện nặng hàng chục tấn nhưng từ lúc báo động đến lúc chiến đấu chỉ vẻn vẹn tính bằng phút”.
Với khả năng triển khai “siêu nhanh” và hệ thống ra-đa chống nhiễu cực tốt, hỏa lực mạnh, tác chiến trong mọi địa hình, thời tiết, S-300PMU1 còn được thiết kế với hệ thống phòng không di động đa kênh, có thể tác chiến độc lập hay tác chiến hợp đồng thông qua các hệ thống khí tài chỉ huy đồng bộ.
Đặc biệt, nó có khả năng theo dõi hàng trăm mục tiêu khác nhau và tấn công đồng thời 6 mục tiêu cùng một lúc. S-300PMU1 có thể chống các cuộc tiến công ồ ạt ở mọi độ cao, tốc độ và chế áp hiệu quả hệ thống điện tử mạnh của các loại phương tiện chiến đấu đường không hiện đại, thế hệ mới.
S-300PMU1 tiêu diệt mục tiêu bay có vận tốc từ 1.800-2.800m/giây, thời gian sẵn sàng phóng đạn từ khi đài điều khiển bắt được mục tiêu được giao chỉ trong vòng 5 giây. Với những tính năng vượt trội đó, S-300PMU1 trở thành nỗi kinh hoàng của mục tiêu trên không mỗi khi rời bệ phóng vì có thể tiêu diệt cả máy bay tàng hình, tên lửa đạn đạo... cách mục tiêu cần bảo vệ rất xa.
Ngay từ khi được trang bị, cán bộ, nhân viên của Đoàn Tên lửa Phòng không S đã làm chủ hệ thống vũ khí, khí tài tối tân này và xây dựng phương án luyện tập, tác chiến phù hợp với cách đánh truyền thống của quân đội ta; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nắm thế chủ động để Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Tuổi Trẻ
18.6.11
Những căn cứ chiến lược ở Thái Bình Dương
Thái Bình Dương với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú và các tuyến đường biển huyết mạch cũng là nơi đặt một số căn cứ quân sự quan trọng của nhiều nước. Những căn cứ này phục vụ đắc lực cho chiến lược của các quốc gia cho khu vực này. Sau đây là một số căn cứ được đánh giá là nổi bật nhất.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ tại Yokosuka -
Ảnh: Wikipedia
Mỹ
"Siêu căn cứ" Guam
Theo báo Telegraph, Mỹ đang xây dựng một siêu căn cứ hải quân trên đảo Guam với chi phí hơn 10 tỉ USD nhằm ứng phó các hoạt động ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào một căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Thế chiến 2, đồng thời là khoản chi đồ sộ nhất cho cơ sở hạ tầng hải quân trong nhiều thập niên. Theo kế hoạch, siêu căn cứ này sẽ có một bến tàu cho hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một hệ thống tên lửa phòng thủ, bãi tập bắn đạn thật và mở rộng căn cứ không quân có sẵn trên đảo.
Trước khi siêu căn cứ này hình thành, Mỹ đang "dùng tạm" căn cứ Hải quân Guam tại cảng Apra. Đây là nơi đặt 3 tàu ngầm lớp Los Angeles là USS City of Corpus Christi, USS Houston và USS Buffalo, đồng thời là điểm đóng quân của hàng chục đơn vị hoạt động hỗ trợ cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 và Hạm đội 5 của Mỹ.
Căn cứ Hawaii
Căn cứ thủy quân lục chiến Hawaii (MCBH) đồng thời là một sân bay của Quân đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ. Theo website an ninh và quân sự Globalsecurity, MCBH tọa lạc trên đảo Oahu, cách Honolulu khoảng 20 cây số về phía đông bắc và là "nhà" của Tiểu đoàn Hậu cần Tác chiến 3, Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 3, Đội Phi cơ Thủy quân Lục chiến 24 và Tiểu đoàn Vô tuyến số 3. Theo chuyên san Defense Industry Daily, vị trí của căn cứ này ở Thái Bình Dương biến nó thành một địa điểm lý tưởng cho việc triển khai chiến lược đến khu vực Viễn Đông.
Tại Hawaii còn có căn cứ hải quân Trân Châu Cảng, nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Căn cứ Yokosuka Là một căn cứ của Hải quân Mỹ, đặt tại thành phố Yokosuka của Nhật Bản. Nhiệm vụ của căn cứ này là duy trì và điều hành các cơ sở hậu cần cho Lực lượng Hải quân Mỹ ở Nhật, Hạm đội 7 và các lực lượng tác chiến được phân công tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Căn cứ Yokosuka nằm ở tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo 65 km về phía nam.
Theo Globalsecurity, Yokosuka có 18 bến tàu và đủ khả năng tiếp nhận nhiều loại tàu khác nhau kể cả hàng không mẫu hạm và tàu ngầm. Hiện tại ở căn cứ có 1 tàu chỉ huy là USS Blue Ridge, 1 hàng không mẫu hạm USS George Washington, 2 tuần dương hạm USS Cowpens và USS Shiloh và 7 khu trục hạm USS Curtis Wilbur, USS John S.McCain, USS Fitzgerald, USS Stethem, USS Lassen, USS McCampbell và USS Mustin. Giữa tháng này, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS George Washington vào biển Đông để bắt đầu tuần tiễu trong nhiều tháng.
Căn cứ Singapore
Trong khuôn khổ thỏa thuận ký năm 1992 giữa Singapore và Mỹ, các lực lượng quân sự Mỹ (chủ yếu là không quân và hải quân) được quyền sử dụng các cơ sở ở căn cứ này. Đội đặc nhiệm 73 đóng tại đây và cung cấp hậu cần cho Hạm đội 7 trong các chiến dịch ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Theo giới quan sát, với việc xây dựng siêu căn cứ ở Guam cùng với các kế hoạch tái bố trí lại lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang muốn tiếp tục phát huy ảnh hưởng tại đây và ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc, vốn đang ngày càng gây quan ngại trong khu vực.
Nga
Căn cứ Vladivostok
Đây là nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Theo website Topwar.ru, Hạm đội Thái Bình Dương được quân đội Nga trang bị nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có Tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag lớp Slava, tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy I/II, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Akula, Oscar-II, tàu ngầm tấn công lớp Kilo. Hạm đội còn được trang bị các máy bay ném bom chiến lược như Tu-22M3,Tu-142, máy bay đánh chặn Mig-31, máy bay chống tàu ngầm IL-39, KA-27, KA-31.
Ngoài căn cứ chính ở Vladivostok, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga còn có một căn cứ tàu ngầm lớn ở Vilyuchinsk trên bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông.
Căn cứ Kurik?
Giữa tháng 11.2010, Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin không chính thức cho hay Nga có kế hoạch xây dựng một căn cứ lớn cho Hạm đội Thái Bình Dương tại 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Tokyo gọi những hòn đảo này là "Vùng lãnh thổ phía Bắc", còn Moscow gọi là "nhóm đảo Nam Kuril".
Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài phát thanh Echo of Moscow hồi tháng 2, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov khẳng định quân đội đang đặc biệt ưu tiên cho các lực lượng ở phía đông đất nước. Theo đó, mục tiêu hiện tại là Moscow muốn phát triển Nam Kuril thành bệ phóng để gia tăng tiếng nói và duy trì vị trí cường quốc ở Đông Bắc Á. Nếu Nga nâng cao khả năng không quân và hải quân tại nhóm đảo tranh chấp đồng thời mở rộng Hạm đội Thái Bình Dương, các lực lượng ở đây sẽ thêm khả năng phối hợp với căn cứ quân sự ở Vladivostok và Kamchatka.
Trung Quốc
Căn cứ tàu ngầm Hải Nam
Căn cứ tàu ngầm Hải Nam được cho là nhằm phục vụ các tàu ngầm tấn công thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Dù chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ lên tiếng chính thức về sự tồn tại của căn cứ này nhưng thông tin về nó đã được tạp chí quân sự nổi tiếng Jane's Intelligence Review của Anh tiết lộ hồi năm 2008.
Vị trí căn cứ tàu ngầm Hải Nam - Ảnh: Telegraph
Theo đó, căn cứ này nằm gần Tam Á trên đảo Hải Nam, có các cửa rộng hơn 23m cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Báo Telegraph mô tả căn cứ này là một khu phức hợp khổng lồ có khả năng che giấu 20 tàu ngầm hạt nhân trước vệ tinh do thám. Hơn nữa, vị trí của căn cứ cho phép tàu ngầm xâm nhập những vùng nước sâu hơn 5.000m mà không cần nổi lên, khiến chúng càng khó bị phát hiện hơn.
Jane's Intelligence Review nhận định căn cứ này quá gần với mạng lưới giao thông đường biển khu vực Đông Nam Á và do đó gây nên quan ngại vượt xa tầm khu vực. Báo Indian Express thì dẫn lời một số chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết căn cứ này sẽ cho phép Trung Quốc cắt đứt đường giao thông thương mại trên biển tại biển Đông và eo biển Malacca (Ấn Độ Dương) trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. AFP dẫn lời chuyên gia Christian Le Miere cho rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với dầu khí và tài nguyên thiên nhiên đang khiến Bắc Kinh ngày càng muốn kiểm soát các đường biển quan trọng, đặc biệt là khu vực phía nam.
Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải còn có nhiều căn cứ khác trên đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Phúc Kiến.
Trùng Quang
(Báo Thanh Niên)
15.6.11
Libya: quân nổi dậy tiến gần thủ đô
Lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Libya đã giành thêm được ưu thế ở mặt trận phía tây vào ngày 14-6, đẩy lùi quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi trong một loạt cuộc đụng độ và tiến dần về thủ đô Tripoli.
Cuối ngày 14-6, NATO cũng nối lại các cuộc không kích thủ đô Tripoli ở phần đông thành phố.
Reuters cho biết đã có ít nhất ba tiếng nổ lớn tại Tripoli và khói bụi bốc lên. Truyền hình Libya nói các vụ đánh bom đã trúng các mục tiêu quân sự và dân sự ở Firnag, một trong những quận lớn nhất Tripoli, và Ain Zara, nơi đã có người thiệt mạng.
Trên bộ, quân nổi dậy đã cố gắng tiến tiếp về phía đông, nhắm vào thị trấn dầu mỏ Brega, hòng mở rộng vùng chiếm đóng sau bốn tháng giao tranh với lực lượng chính phủ.
Ngày 14-6, họ đã chiếm được thị trấn Kikla, chỉ cách Tripoli 150km về phía tây nam, sau khi quân đội chính phủ rút lui. Quân nổi dậy cũng tiến được thêm vài cây số từ căn cứ Misrata tới vùng ngoại ô Zlitan do chính phủ kiểm soát.
Tại Brussels, người phát ngôn NATO Mike Bracken nói lực lượng nổi dậy đang đạt được những bước tiến vững chắc ở miền tây Libya và vào cao nguyên Berber. “Họ đã kiểm soát trên mặt đất từ Wazin tới Adu và Zintan cũng như thị trấn Yaffran”, ông Bracken nói.
Trước khi quân nổi dậy chiếm được Kikla từ tay chính phủ, hai phía đã trải qua nhiều tuần lễ giằng co không kết quả tại vùng này, bất chấp việc lực lượng nổi dậy có sự hỗ trợ mạnh từ các cuộc không kích của NATO.
Trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn, ngày 13-6 cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO đã lên tiếng quan ngại về số phận thành phố 2.200 năm tuổi Leptis Magna được xây dựng từ thời La Mã cổ đại và những di sản văn hóa ở đây. UNESCO kêu gọi các bên liên quan cùng ý thức bảo vệ “di sản vô giá” này của đất nước Libya.
(Báo Tuổi Trẻ)
9.6.11
Quân chính phủ Libya tấn công Misrata
lượng trung thành với ông Gaddafi vào thành phố Misrata
- Ảnh: Reuters
Bất chấp phải hứng chịu các đợt không kích liên tiếp, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vẫn tổ chức đợt tấn công vào quân nổi dậy tại thành phố Misrata, theo AFP.
Nhiều tiếng nổ lớn cùng khói bốc lên ngùn ngụt đã được ghi nhận tại trung tâm thủ đô Tripoli của Libya sau đợt không kích của NATO tối 8.6.
Vụ nổ đầu tiên ở khu vực dinh thự ông Gaddafi trong đợt không kích này bắt đầu lúc 20 giờ GMT (3 giờ sáng 9.6, giờ VN) và tiếp đó là một loạt vụ nổ lớn khác khiến Tripoli rung chuyển.
AFP dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Libya, Mussa Ibrahim cho biết, trong ngày 8.6, thủ đô Libya phải hứng chịu hơn 60 vụ oanh tạc, 31 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Các vụ không kích này diễn ra ngay sau khi lực lượng chính phủ với 3.000 quân đã tấn công vào Misrata, ở miền đông Tripoli, nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố lớn thứ ba của Libya và nỗ lực ngăn chặn bước tiến về phía tây của quân nổi dậy.
Hãng BBC cho biết, các cuộc giao tranh giữa hai bên đã xảy ra và có ít nhất 14 tay súng nổi dậy thiệt mạng.
Ngoài ra, còn có 20 quân nổi dậy khác bị thương do hứng chịu đợt tấn công bằng pháo hạng nặng của lực lượng trung thành với ông Gaddafi, phát ngôn viên của lực lượng nổi dậy tại thành phố Misrata, Hassan al-Galai nói.
(Báo Thanh Niên)
Tàu Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tàu Việt Nam
Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự việc trên, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
"Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam," bà Nga nói.
Đáng chú ý là vụ việc nói trên xảy ra ngay sau vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam ngày 26.5 vừa qua, làm cho tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng. Các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, thực hiện mục tiêu biến yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc thành hiện thực. Đây là điều phía Việt Nam không thể chấp nhận.
"Phía Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam," bà Nga nhấn mạnh.
Chiều 9.6.2011, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của Việt Nam.
(TTXVN/Vietnam+)
8.6.11
Ông Gaddafi quyết chiến đấu đến cùng
Cùng với việc dồn dập không kích thủ đô Tripoli của Libya trong mấy ngày nay, các bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào hôm nay (8.6) có cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các bước tiếp theo nhằm "hạ bệ" nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Theo hãng tin AFP, cuộc gặp lần này tại Brussels nhằm kêu gọi các thành viên NATO tích cực đóng góp hơn cho chiến dịch không kích nhắm vào ông Gaddafi bắt đầu từ ngày 19.3 qua, nhằm thúc đẩy chuyển biến nhanh hơn tại đất nước xuất khẩu dầu mỏ ở Bắc Phi này.
Hiện chỉ có tám trong số 28 thành viên của NATO này là tham gia tích cực vào chiến dịch, trong đó Anh và Pháp thực hiện hầu hết các cuộc không kích. Một số khác đảm nhiệm vài nhiệm vụ nhỏ, còn hơn 12 nước không có bất cứ đóng góp nào.
Tuần rồi, NATO đã có quyết định kéo dài chiến dịch nhắm vào chính quyền ông Gaddafi thêm ba tháng, để tiếp tục bảo vệ dân thường theo Nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc.
Các chiến đấu cơ của NATO tiếp tục quần đảo bầu trời Tripoli trong hôm nay (8.6) và nã các loạt tên lửa vào những khu vực dinh thự của ông Gaddafi. Lúc rạng sáng nay (giờ địa phương, khoảng 6 giờ 45 phút sáng 8.6, giờ VN), nhiều tiếng nổ lớn đã xảy ra tại các khu dinh thự của ông Gaddafi ở Bab al-Aziziya.
Trong ngày hôm qua, NATO đã thực hiện đợt không kích lớn nhất từ trước đến nay và thực hiện giữa ban ngày. AFP dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Libya Mussa Ibrahim cho biết, các máy bay liên quân phương Tây đã thực hiện khoảng 60 đợt không kích vào Tripoli, giết chết 31 người. Hầu hết các khu nhà tại Bab al-Aziziya đã bị san phẳng.
Mặc dù trước áp lực ngày càng lớn của các đợt không kích, nhà lãnh đạo Libya trong 42 năm qua vẫn khẳng định ông không đầu hàng. Trong thông điệp gửi những người ủng hộ mình tối qua, đại tá Gaddafi nói, sẽ không bao giờ rời bỏ đất nước, sẽ chiến đấu đến cùng hoặc là chết. "Tử vì đạo còn tốt hơn triệu lần so với đầu hàng", BBC trích lời ông nói.
Trong một diễn biến khác, thêm một quan chức cao cấp của chính quyền ông Gaddafi quay sang phe đối lập. Theo BBC, Bộ trưởng Lao động Libya al-Amin Manfur đã bỏ nhiệm sở, và đang trên đường đến thành trì của quân nổi dậy, Benghazi, để gia nhập lực lượng chống chính phủ.
Hiện Nga và Trung Quốc cũng đang nỗ lực với các hoạt động ngoại giao độc lập của mình. Hôm 7.6, ông Mikhail Margelov, đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách các vấn đề châu Phi đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của lực lượng nổi dậy, Mustafa Abdul Jalil, tại Benghazi.
Ông Margelov cho biết, Nga đã chuẩn bị hỗ trợ tài chính cho lực lượng nổi dậy nhưng phản đối bất kỳ sự leo thang xung đột nào. Trong khi đó, lãnh đạo phe nổi dậy nói họ sẵn sàng nhận viện trợ của Nga nhưng tiếp tục khẳng định sẽ không có đàm phán trước khi ông Gaddafi ra đi, theo AFP.
Hiện Ngoại trưởng Libya Abdul al-Obeidi Ati đang công du Trung Quốc nhằm tìm kiếm tiếng nói của đất nước đông dân nhất hành tinh này. Bắc Kinh cũng thông báo đại diện của họ đã đến Benghazi để tìm hiểu tình hình.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama họp báo sau cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định, áp lực dành cho ông Gaddafi sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi nhà lãnh đạo Libya ra đi, theo BBC. "Tôi nghĩ rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi ông Gaddafi ra đi", Tổng thống Obama nói.
(Báo Thanh Niên)
6.6.11
Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới
nước CHXHCN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Trung
Ngày 5.6.2011, tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới.
Thưa Ngài Chủ tịch!
Thưa các quí vị!
Tôi chân thành cảm ơn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nước Chủ nhà Xinh-ga-po đã mời tôi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 và chia sẻ cùng các quí vị tại phiên họp này.
Tôi đồng tình với đánh giá của các quí vị về vai trò của Đối thoại Shangri-La trong 10 năm qua với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thưa các quí vị!
Chủ đề mà Ban tổ chức dành cho tôi “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Nói đến biển trong Thế kỷ 21, chúng ta đều có nhận thức chung đó là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền.
Đặc điểm nổi lên của không gian biển thời gian gần đây là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia, các lợi ích đó đều mang tính chiến lược, sống còn.
Trong bối cảnh hiện nay, các mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lớn cho từng quốc gia, cho khu vực và cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Chúng ta không nên né tránh và hãy nhìn nhận nó, những sự hợp tác và khác biệt đó là một thực tế khách quan, là hai mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển. Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại- không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột.
Vậy, chúng ta sẽ làm gì với cái nhìn rộng rãi, trên góc độ đa phương để ngày càng cải thiện tình hình, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, môi trường không gian biển, đem lại lợi ích cho từng quốc gia, cho khu vực, cũng như cho toàn thế giới?
Trước hết, chúng ta cần có nhận thức chung đúng về giá trị, về những đặc điểm mới, những lợi ích và thách thức mà tất cả các quốc gia đều gặp phải. Sự xuất hiện hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống là vấn đề tất yếu nảy sinh trong quá trình phát triển của thế giới, từ đó càng cần hơn sự hợp tác rộng rãi, cả song phương và đa phương để cùng giải quyết là một ví dụ cho thấy tính đa dạng, sự đan xen giữa phát triển và thách thức, giữa lợi ích và xung đột… trong tình hình hiện nay.
Thứ hai, chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ… Trước hết, cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về luật biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, việc tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và xuất hiện các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay ADMM+ cũng cho thấy nhu cầu và triển vọng hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác có chung lợi ích trong khu vực, nó sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.
Thứ ba, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Trong đó, hợp tác quốc phòng có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển.
Vùng biển Ma-lắc-ca vừa qua đã có sự ổn định, góp phần cho sự tăng trưởng của khu vực. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác hải quân giữa các nước trực tiếp có liên quan như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po và sự ủng hộ của những quốc gia trong và ngoài khu vực. Tương tự như vậy, việc tăng cường hợp tác hải quân như tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Cam-pu-chia và tiến tới tuần tra chung với Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a cũng góp phần tăng cường an ninh, trật tự trên Biển Đông.
Thứ tư, đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, chúng ta cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch; Và những diễn đàn như Shangri-La hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng minh bạch quan điểm về lợi ích, về những thách thức và những quan ngại, đồng thời bày tỏ chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trong hợp tác, chúng ta cần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời phải giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực - đó là giá trị chung trong quan hệ lợi ích của tất cả các nước, đồng thời cũng là giá trị to lớn đối với mỗi quốc gia trong một môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển.
Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần đây nhất là vụ ngày 26/05/2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn.
Thưa các quí vị!
Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong Cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Cuối cùng, chúc các quí vị mạnh khỏe!
Chúc Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn!
Các vùng biển của quốc gia
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 đã định ra khung pháp lý cho các quốc gia trong việc xác định các vùng biển và quy chế pháp lý của chúng, xác định ranh giới, biên giới trên biển giữa các quốc gia.
Theo công ước, mỗi quốc gia ven biển có năm vùng biển bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Dựa vào các quy định của công ước, quốc gia ven biển xác định ra đường cơ sở để từ đó làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
1. Nội thủy
Điều 8 của công ước Luật biển năm 1982 quy định nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.
2. Lãnh hải
Lãnh hải là vùng biển nằm ngoài đường cơ sở. Chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý (điều 3 công ước). Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình. Chủ quyền đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải là tuyệt đối. Chủ quyền đối với vùng trời phía trên lãnh hải cũng là tuyệt đối. Tuy nhiên, chủ quyền ở đây không được tuyệt đối như trong nội thủy vì ở lãnh hải của quốc gia ven biển, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền qua lại không gây hại.
3. Vùng tiếp giáp lãnh hải
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và sát với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng không quá 12 hải lý. Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa các vi phạm đối với các luật và quy định về hải quân, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; và trừng trị những vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình (điều 33 công ước).
4. Vùng đặc quyền kinh tế
Đó là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Trong vùng đặc quyền kinh tế thì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán. Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật (điều 62), tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió...
Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường.
5. Thềm lục địa
Thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Cần lưu ý quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Điều cần nhấn mạnh là một mặt các quốc gia ven biển được hưởng các quyền tương ứng như đã nêu trên đối với các vùng biển của mình, nhưng mặt khác họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khác.
Ngoài ra, còn có vùng biển quốc tế (là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển). Ở vùng biển quốc tế, các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, đặt dây cáp và ống ngầm, đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học... nhưng phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như phải tuân thủ các quy định có liên quan của công ước Luật biển năm 1982; và đáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương) là di sản chung của nhân loại và không quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó.
(Báo Tuổi Trẻ)
Đặc phái viên Nga đến Libya
tham chiến tại Libya. Hiện Pháp đã gửi hai loại trực thăng là
Tigre và Gazelle; trong khi Anh gửi trực thăng Apache đến
tham gia không kích - Ảnh: AFP
Đặc phái viên của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào hôm nay (6.6) đã đến thành trì của quân nổi dậy chống chính phủ Libya, Benghazi để gặp các lãnh đạo phe nổi dậy, theo AFP.
Trả lời hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), ông Mikhail Margelov, đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách các vấn đề châu Phi cho biết, ông sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của lực lượng nổi dậy, Mustafa Abdul Jalil, tại Benghazi.
Ngoài ra, ông Margelov cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với ông Omar el-Hariri, người đứng đầu quân nổi dậy về các vấn đề quân sự, và ông Mahmoud Jibril, Thủ tướng lâm thời của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia.
Chuyến đi của ông Margelov diễn ra sau khi Tổng thống Medvedev tại Hội nghị G8 hồi cuối tháng qua tại Pháp tuyên bố Moscow sẽ gửi đặc phái viên đến thảo luận về việc giải quyết các vấn đề hiện tại của Libya.
Tuy nhiên, hiện chưa biết sau khi đến Benghazi, ông Margelov có thẳng đến Tripoli để gặp nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hay không, theo AFP.
Ông Margelov đến Benghazi trong thời điểm này cho thấy Nga ngày càng tỏ ra lo ngại việc NATO tiếp tục leo thang không kích các cơ sở quân sự của chính quyền ông Gaddafi, đồng thời có nhiều chuyển biến mới trong chiến dịch như triển khai trực thăng tham chiến và có các dấu hiệu liên quân phương Tây sẽ cho lực lượng bộ binh đổ vào đất nước Bắc Phi này.
Vào hôm 4.6 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo việc các hoạt động của NATO tại Libya là đi quá giới hạn về việc bảo vệ dân thường của Nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc, khi lực lượng này triển khai trực thăng đến hỗ trợ chiến dịch không kích.
Ông Lavrov nói, NATO đang dần đi đến việc triển khai bộ binh vào Libya và điều này trái với Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Chuyến đi của ông Margelov đến Benghazi lúc này nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng tại Libya, tuy nhiên theo ông Margelov, các lực lượng đối lập tại Libya hoàn toàn có khả năng tự giải quyết các vấn đề của họ và Nga ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Libya.
Theo AFP, trong tối 5.6 (tức rạng sáng 6.6, giờ VN), các chiến đấu cơ của NATO tiếp tục nã tên lửa xuống thủ đô Tripoli. Năm tiếng nổ lớn làm rung chuyển Tripoli trong đêm tối đã được ghi nhận. Thương vong và các thiệt hại khác chưa được báo cáo.
(Báo Thanh Niên)