27.4.11

Trung Quốc tự mâu thuẫn về "đường lưỡi bò"

Quang cảnh hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông:
lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” tại Hà Nội hôm 26.4
- Ảnh: Trường Sơn

Hôm 26.4, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo Quốc gia lần thứ hai về biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế”.

Theo các học giả, sau 2 năm kể từ hội thảo khoa học quốc gia lần I với cùng đề tài (tháng 3.2009), các diễn biến gần đây cho thấy khu vực biển Đông đã có những thay đổi trên một số bình diện. Từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương quốc tế, đồng thời trở thành vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) sang Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và cùng với đó là sự thay đổi trong lập trường của một số bên liên quan, quá trình đàm phán về vấn đề biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến...

Theo phân tích tại hội thảo, kể từ thời điểm 7.5.2009, một cuộc chiến pháp lý hoàn toàn mới về lượng và chất liên quan đến “đường lưỡi bò” lại nổ ra giữa các nước có tranh chấp ở biển Đông. Lần đầu tiên các bên sử dụng diễn đàn LHQ và cũng là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc (TQ) chính thức đưa "đường chữ U" (hay còn gọi là "đường lưỡi bò") ra trước công chúng, thay vì thái độ mập mờ như trước đó. Cũng từ việc này đã dấy lên làn sóng phản đối "đường chữ U", từ đó bác bỏ chuyện TQ tuyên bố cho rằng "đường chữ U được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi từ lâu”.

Liên quan đến các công hàm mới đây của Philippines và TQ, trong khi Philippines lập luận theo Luật Biển thì những đường như "đường chữ U" là không có cơ sở theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thì TQ lại nhắc đến các quyền lịch sử và tìm cách hài hòa giữa quyền lịch sử và Luật Biển hiện đại bằng cách tuyên bố quần đảo Nam Sa (cách gọi của TQ, tức Trường Sa của VN) hoàn toàn có các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là một điểm mới khác hẳn với các tuyên bố khuôn mẫu trước kia của TQ.

Trong khi Philippines phản đối đích danh đường đứt khúc 9 đoạn thì công hàm của TQ lại không hề đả động chút nào đến "đường chữ U" này. So sánh hai công hàm 2009 và 2011 của TQ lại càng thấy hai công hàm này mâu thuẫn nhau. Trong khi Công hàm 7.5.2009 của TQ đòi hỏi “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của TQ trên các đảo trong biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận...”, tức theo "đường chữ U", thì Công hàm 14.4.2011 lại lờ đi "đường chữ U" này mà cho rằng quần đảo Nam Sa có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển UNCLOS. Theo một ý kiến đưa ra tại hội thảo, nếu theo các lập luận của TQ thì cả các thành phố như TP.HCM hay Manila (Philippines) và Kuala Lumpur (Malaysia)... đều rơi vào vòng ảnh hưởng của "đường chữ U" và “các vùng biển liên quan”!

Theo các nhà nghiên cứu, việc hai công hàm trong vòng 2 năm có những mâu thuẫn nhau cho thấy chính bản thân TQ còn lẫn lộn và mâu thuẫn với chính họ, không biết giải thích thế nào về "đường lưỡi bò" cho có lý. Hoặc cũng có thể đây là lập trường nhất quán cố tình tạo lẫn lộn, áp dụng tùy tiện lúc theo Luật Biển lúc theo yêu sách lịch sử theo kiểu “mèo trắng mèo đen miễn bắt được chuột” - một chiến thuật mập mờ thường hay được sử dụng để buộc dư luận phải “tin” vào những điều vô lý?

4 kịch bản ở biển Đông

Về các kịch bản có thể diễn ra ở biển Đông trong thời gian tới, các học giả cho rằng có thể có 4 kịch bản xảy ra. Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là TQ, hành xử đúng theo những gì họ đã nói, đó là “Tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác”. Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay, tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn. Bốn là, xảy ra xung đột lớn.

Theo các nhà nghiên cứu, các yếu tố tác động đến tình hình biển Đông trong thời gian tới bao gồm: thái độ và cách ứng xử của TQ, thế và lực của VN, mức độ can dự của quốc tế và Mỹ đối với các tranh chấp trên biển Đông và mức độ đồng thuận giữa các nước ASEAN về vấn đề này. Bên cạnh đó, còn có nhân tố thuộc về vấn đề nội bộ của TQ và tình hình biển Đông cũng có quan hệ chặt chẽ và tác động với tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên và an ninh eo biển Đài Loan.

Cần xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành

Về việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông, các học giả cho rằng COC chưa phải là phương tiện để giải quyết các tranh chấp mà sẽ là một công cụ để xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý biển Đông một cách hòa bình. Do vậy, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung, mà cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành. Ngoài ra, COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng. Trước mắt, các bên cần thúc đẩy thực thi đầy đủ DOC ký giữa TQ và ASEAN năm 2002.


Nguyên Phong
(Báo Thanh Niên, ngày 26.4.2011)

25.4.11

Bà Trần Lệ Xuân qua đời


Tin cho hay cựu Đệ nhất Phu nhân Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam Trần Lệ Xuân, tức bà Ngô Đình Nhu, vừa qua đời ở tuổi 87.

Nhật báo Người Việt trụ sở tại California, Hoa Kỳ, dẫn lời một nguồn tin thân cận với bà cho hay bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, đã qua đời "hồi 2 giờ sáng Chủ nhật, trùng ngày lễ Phục Sinh 2011, tại một bệnh viện ở Rome, Ý".

Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Hà Nội trong một gia đình danh giá: thân mẫu của bà là cháu ngoại của vua Đồng Khánh và em họ của vua Bảo Đại, nhà vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Thân phụ của bà là Luật sư Trần Văn Chương, người từng giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ.

Thời bé, bà Trần Lệ Xuân học trường Albert Sarraut và tốt nghiệp tú tài.

Năm 1943 bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu đồng thời bắt đầu theo Công giáo. Ông Ngô Đình Nhu là em trai và là cố vấn cho Tổng thống VNCH lúc đó là ông Ngô Đình Diệm, vì vậy bà Trần Lệ Xuân còn được gọi là 'Bà Cố vấn'.

Vì Tổng thống Diệm không có vợ, nên bà cũng được coi là Đệ nhất Phu nhân VNCH (1955-1963).

Gây tranh cãi

Vai trò của bà Trần Lệ Xuân trong thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam được cho là gây tranh cãi.

Lúc đó, bà cũng là dân biểu và là Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới.

Với các phát biểu và hành động thẳng thừng, nhiều khi bị chỉ trích là bất cẩn và quá khích, bà bị cáo buộc "lộng quyền", và có người cho rằng đã góp phần làm tăng sự bất mãn đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới cuộc đảo chính ngày 01/11/1963.

Khi xảy ra đảo chính và cái chết của anh em ông Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu, bà Trần Lệ Xuân và con gái lớn là Ngô Đình Lệ Thủy đang công cán nước ngoài. Kể từ đó, bà sống lưu vong, không quay trở lại Việt Nam.

Những năm cuối đời, bà sống tại Rome, Ý.

Ông bà Ngô Đình Nhu có bốn người con, hai trai, hai gái. Trưởng nữ Lệ Thủy qua đời vì tai nạn giao thông năm 1968.

Bà Trần Lệ Xuân còn được biết tới như người đã vẽ kiểu chiếc áo dài cách tân có cổ thuyền, hay còn gọi là 'Áo dài Trần Lệ Xuân'.


Theo BBC

Hình ảnh thời trẻ của Trần Lệ Xuân

Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy
trên bìa tạp chí Life

Trần Lệ Xuân trên bìa tạp chí Time

Trần Lệ Xuân trong một cuộc trả lời phỏng vấn

Bà Trần Lệ Xuân là vợ của ông Ngô Đình Nhu,
cố vấn một chính quyền ở miền nam
Việt Nam trước giải phóng. Ảnh: Life

Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, kết hôn với
Ngô Đình Nhu năm 1943. Ảnh: Life

Bà có 4 người con, trong đó con gái đầu là Lệ Thủy
đã qua đời vì tai nạn giao thông. Ảnh: Life

Bà rất tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội
khi còn trẻ. Ảnh: Life

Những năm tháng cuối đời bà sống kín tiếng
tại Pháp. Ảnh: Life

Bà vừa qua đời hôm 24.4 tại nhà riêng ở Italy.
Ảnh: Life


Nguồn: VnExpress

20.4.11

Vì sao F-22 không tham chiến ở Libya?


Ngay sau khi không tiếp tục tham chiến ở Libya, Mỹ đã lên tiếng giải thích vì sao chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của thế giới là F-22 Raptor không tham gia chiến dịch Bình minh Odyssey. Điều đáng ngạc nhiên là không ai đòi hỏi Mỹ phải giải thích như vậy.

Chiến dịch Bình minh Odyssey của phương Tây bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Canada, tiến hành đối với Libya bắt đầu vào ngày 19.3.2011. Trong đó không lực chủ yếu sử dụng các loại tiêm kích F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, Dassault Rafale và Panavia Tornado GR4.

Trái với sự chờ đợi của nhiều nhà phân tích quân sự, chiếc F-22 Raptor đã không tham dự vào chiến dịch chống Libya. Vào ngày 22.3.2011, nhà phân tích Lauren Thompson thuộc Viện nghiên cứu Lexington, Mỹ, cho rằng: chiếc F-22 dù được trang bị 2 trái bom JDAM loại 450 kg, nhưng lại không thể tiêu diệt các mục tiêu di động. Ngoài ra, radar của chiếc máy bay hiện đại này không thể tự xác định mục tiêu như radar của một số loại tiêm kích khác. Vì thế nó không thể tự tìm, xác định và tiêu diệt mục tiêu. Như vậy với hệ thống radar như hiện nay, nếu tham chiến, F-22 cần phải có dữ liệu về mục tiêu dự tính tiêu diệt được cài đặt sẵn trong bộ máy tính chứa đựng thông tin chỉ huy trước khi cất cánh.

Hệ thống thông tin liên lạc của chiếc máy bay hiện đại bậc nhất này còn rất hạn chế, khi nó chỉ có thể kết nối liên lạc cùng với chiếc máy bay F-22 khác trong phi đội bay cùng với nó. F-22 có hệ thống thông tin chuẩn loại Link 16, được sử dụng khá rộng rãi trong quân đội Mỹ và khối NATO, nhưng nó chỉ có thể tiếp nhận thông tin từ các máy bay khác mà không thể sử dụng để truyền thông tin. Đây là hệ quả của việc các kỹ sư thiết kế Mỹ muốn F-22 hạn chế thông tin liên lạc để nâng cao tính "tàng hình" của nó.

Về phía mình, vào cuối tháng 3.2011, lãnh đạo không lực Mỹ, tướng Norton Schwartz cho biết do các căn cứ của F-22 nằm xa Libya, nên phía Mỹ không điều động loại tiêm kích này tham gia Chiến dịch Bình minh Odyssey. Norton Schwartz nói: "Nếu như F-22 có tại một căn cứ nào đó của châu Âu, chắc chắn nó sẽ tham dự chiến dịch ở Libya. Hơn nữa, chiến dịch được tiến hành nhanh chóng, nên không cần thiết phải sử dụng các nguồn lực từ xa". Hiện F-22 có ở các căn cứ quân sự tại Virginia, New Mexico, California, Florida, Alaska và Hawaii của Mỹ. Schwartz nhấn mạnh: "F-22 không tham chiến không có nghĩa là nó không hữu dụng".

Tướng Norton Schwartz cũng giải thích, vì sao trong năm 2010, không lực Mỹ không nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc cho F-22 như chương trình Increment 3.2 đã định ra. Theo ông Schwartz, dự kiến F-22 sẽ lắp đặt hệ thống thông tin chuẩn MADL, loại được sử dụng cho chiếc F-35 Lightning II. Tuy vậy, do MADL là loại mới, chưa được kiểm tra trên thực tế, nên lắp đặt cho F-22 là mạo hiểm và tốn thêm chi phí. Nghe lời giải thích của ông Schwartz, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo không lực Mỹ - ông David Deptula, đã phản ứng dữ dội. Theo Deptula, nếu không lắp đặt MADL cho F-22 thì quả là vô ý nghĩa khi "chiếc tiêm kích hiện đại nhất thế giới" lại không thể trao đổi thông tin với các máy bay khác.

David Deptula phản ứng là có lý do. Bởi để chiếc F-22 có thể liên lạc thông tin với các máy bay khác, kể cả trực thăng và bộ binh trên mặt đất, không lực Mỹ buộc phải thành lập trạm thông tin đặc biệt trên không. Trạm này bao gồm máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk Block 20 làm cầu nối thông tin của chiếc F-22 đến với các loại máy bay và trực thăng có lắp đặt hệ thống Link 16. Hình thức liên lạc thông tin này chỉ áp dụng cho các chiến dịch lớn và chưa một lần được tiến hành trên thực tế.

Cần nhắc lại là chiếc F-22 được biên chế vào quân đội Mỹ vào năm 2005. Từ đó đến nay nó chưa hề tham gia một chiến dịch quân sự nào bên ngoài nước Mỹ. Vì thế, F-22 trên thực tế chưa chứng minh được tính ưu việt của nó.

Một động thái khác làm xấu hình ảnh chiếc F-22, là vào tháng 3.2011, không lực Mỹ ra lệnh hạn chế trần bay của nó chỉ là 7,6 nghìn mét. Trong khi đó thiết kế kỹ thuật chiếc tiêm kích hiện đại này có trần bay là 19,8 nghìn mét. Nguyên nhân là do cần phải kiểm tra lại hệ thống ô-xy (OBOGS) trên khoang máy bay, được lắp đặt cho nhiều loại tiêm kích của Mỹ.

Theo không lực Mỹ, OBOGS có thể có lỗi. Việc chiếc F-22 rơi vào ngày 17.11.2010, tại Alaska có thể là do lỗi của OBOGS khiến phi công điều khiển hôm ấy Jeffrey Haney thiếu ô-xy thở và dẫn đến bị ngất. Việc hạn chế trần bay là có lý do. Bởi ở độ cao 15 nghìn mét, nếu phi công không được truyền ô-xy vào mặt nạ mà anh ta đeo, thì trong vòng 10 giây (trước khi bị ngất), máy bay không kịp hạ xuống độ cao 5,4 nghìn mét để có thể thở mà không cần đến mặt nạ. Còn ở trần bay 7,5 nghìn mét thì điều này có thể thực hiện được.



Trước đó, vào năm 2009, không lực Mỹ đưa 12 chiếc F-22 đến căn cứ quân sự ở Alaska để thử nghiệm. Nhưng do thời tiết mưa nhiều nên sự thử nghiệm không đạt yêu cầu. Hóa ra, với độ ẩm cao, hệ thống điện tử của máy bay hoạt động không ổn định, còn hệ thống làm mát các thiết bị máy tính lại "chết" hẳn. Đến nay chưa có thông tin phía Mỹ đã khắc phục các điểm này hay chưa. Nhưng từ đó đến nay chiếc F-22 đã không cất cánh trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao.

Vào tháng 2.2007, không lực Mỹ quyết định lần đầu tiên đưa F-22 ra khỏi lãnh thổ Mỹ. 6 chiếc F-22 cất cánh từ quần đảo Hawaii đến căn cứ không quân tại đảo Okinawa của Nhật Bản. Khi bay qua kinh tuyến 180 độ (ranh giới hai bán cầu và là mốc thay đổi thời gian), toàn bộ hệ thống định vị và một phần hệ thống thông tin không hoạt động. Vì thế cả 6 chiếc F-22 phải bám đuôi chiếc máy bay tiếp xăng trên không quay về Hawaii. Đây là lỗi chương trình khiến hệ thống computer không hoạt động khi thay đổi thời gian.

Những lỗi kỹ thuật nêu trên được không lực Mỹ công bố. Không loại trừ còn những lỗi khác của F-22 mà lực lượng này muốn che giấu. Nhưng việc phía Mỹ bỗng dưng lên tiếng biện minh cho việc F-22 không tham chiến Libya là "điều không thể hiểu được" đối với một số chuyên gia quân sự. Bởi với các chiến dịch ở Iraq hay Afghanistan, chiếc F-22 cũng vắng bóng mà phía Mỹ không có động thái như trên. Cũng có thể do giá bán quá đắt, mà Mỹ cho rằng không cần thiết phải sử dụng F-22 vào những chiến dịch mà các loại tiêm kích khác có thể thực thi nhiệm vụ. Ngày 31.3.2011, phía Mỹ vừa công bố giá bán một chiếc F-22 giờ đã là 411,7 triệu USD. Quân đội Mỹ đã đặt mua 187 chiếc F-22, 170 chiếc trong số này đã được biên chế vào quân đội nước này.

Vài thông số kỹ thuật của F-22 Rapor

Tổ lái: 1 người
Chiều dài thân: 18,9m
Chiều dài sải cánh: 13,56m
Trọng lượng: 19,7 tấn
Trọng tải: 38 tấn
Động cơ 2 P&W F-119-PW-100
Tốc độ cao nhất: 2.500 km/giờ
Tốc độ hành trình: 1.500 km/giờ
Tầm bay: 769 km
Trần bay: 19,8 nghìn mét
Vũ khí: súng 20 ly, có thể mang 6 tên lửa không đối không hoặc 2 trái bom loại JDAM. Có 4 điểm treo 2,3 tấn vũ khí trên hai cánh.


Ngữ Tử Yên
(Báo Thanh Niên Tuần san số 255)

16.4.11

Tàu sân bay Trung Quốc mạnh tới đâu?

Tàu sân bay Varyag - Ảnh: Global Times

Giới chuyên gia nhận định tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng và phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể hoạt động.

Hôm 6.4, 20 bức ảnh về chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện trên wesbite của Tân Hoa xã. Chú thích dưới một trong số những bức ảnh viết rằng công trình hoàn thiện tàu sân bay Varyag được Trung Quốc mua từ Ukraine vào năm 1988 sắp được hoàn tất, trừ hệ thống radar. Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lại chú thích cho một trong số bức ảnh trên: "Ước mơ 70 năm về tàu sân bay của Trung Quốc sắp trở thành sự thật". Một chú thích khác ghi: "Cách đây vài ngày, các diễn đàn quân sự trong nước liên tục đăng các bức ảnh về tàu sân bay Varyag đang được xây dựng tại Hãng tàu Đại Liên. Từ những bức ảnh, chúng ta có thể thấy dự án hoàn thiện con tàu đang đi vào giai đoạn cuối".

Đây là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc chính thức đưa tin ảnh về dự án tàu sân bay đầu tiên của nước này cũng như nói rõ dự án đang được tiến hành tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập Tạp chí quốc phòng châu Á Kanwa ở Canada và là người theo dõi dự án tàu sân bay của Trung Quốc trong 20 năm qua, cho hay tất cả hình ảnh về con tàu trên Tân Hoa xã là những bức ảnh mới nhất mà ông biết và chúng cho thấy tiến trình xây dựng con tàu nhanh hơn ông dự đoán. Ông cho biết thêm hồi tháng 2, tạp chí của ông đã nhận được nhiều bức ảnh về Varyag và chúng cho thấy cấu trúc phần trên của con tàu chưa được sơn, còn trong những bức ảnh của Tân Hoa xã thì phần sơn đó đã hoàn tất. "Tốc độ rất nhanh. Tôi rất ngạc nhiên", ông Chang nhận định.

Lịch sử tàu sân bay Trung Quốc

Varyag là một trong 2 tàu sân bay thuộc lớp Đô đốc Kuznetsov do hãng tàu Nam Nikolayev của Liên Xô đóng. Tàu lớp Đô đốc Kuznetsov được phân loại là tuần dương hạm mang máy bay hạng nặng, hay nói cách khác, đây là tàu sân bay lai tuần dương hạm. Hiện Hải quân Nga có một chiếc duy nhất thuộc loại này chính là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Theo trang tin Military-heat.com, tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov của Nga dài 302,3m và rộng 72,3m, với trọng tải 58.600 tấn. Vận tốc cao nhất là 56 km/giờ và hải trình tối đa là 8.500 km. Thủy thủ đoàn có 1.500 thành viên và tàu mang được từ 41-52 máy bay. Tàu còn được trang bị súng AK-630, hệ thống pháo-tên lửa phòng không Kashtan, tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit và hệ thống tên lửa phòng không đất đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS và các bệ phóng rốc-két RBU-12000 UDAV-1 ASW. Trong khi đó, tàu Varyag được thiết kế với chiều dài 300m, chiều rộng 73m, trọng tải 67.500 tấn, vận tốc 59 km/giờ và hải trình tối đa 7.130 km. Tàu có thể chứa thủy thủ đoàn 1.960 người, 50 máy bay và cũng sẽ được trang bị các loại vũ khí tương tự như trên.

Dự án đóng tàu Varyag bắt đầu năm 1985 nhưng bị dừng lại vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã. Khi đó, công trình đã hoàn tất hơn 60% và Nga giao Varyag cho Ukraine. Sau đó, con tàu này không được bảo trì, nhiều phần bị tháo dỡ như bánh lái và hệ thống vận hành, theo trang tin Asia Times online. Đến năm 1998, Ukraine bán đấu giá Varyag và một công ty ở Hồng Kông đã bỏ ra 20 triệu USD để mua con tàu này với ý định biến nó thành một sòng bạc nổi ở Macau. Tuy nhiên, Macau không phải là điểm dừng chân cuối cùng của Varyag sau khi được đưa về Trung Quốc. Vào năm 2005, tàu được đưa đến cảng Đại Liên, cũng là nơi đóng trụ sở của Học viện Quân sự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tại đây vào năm 2008, nhóm binh sĩ đầu tiên bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện trở thành phi công lái máy bay tác chiến cho tàu sân bay, theo Asia Times online.

Sau thời gian nằm tại Đại Liên, Varyag được sơn theo màu xanh xám nhạt của PLA, theo một diễn đàn quân sự của tờ Global Times. Số liệu về kích thước và thủy thủ đoàn của Varyag được đưa ra trên webiste này cũng khác với số liệu ban đầu. Theo đó, chiều dài là 291,6m, chiều rộng 71m, trọng tải 65.000 tấn và thủy thủ đoàn là 2.500 người. Tuy nhiên, chưa có nguồn nào khác chứng thực những con số này. Ngoài ra, Varyag dự kiến đổi thành Thi Lang, tên một đô đốc nhà Minh đầu hàng nhà Thanh và giúp nhà Thanh chinh phục đảo Đài Loan vào năm 1681.

"Biểu tượng là chính"

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Robert Willard, cho rằng tàu sân bay Varyag của Trung Quốc có thể bắt đầu chạy thử vào mùa hè năm nay, theo AP. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ hôm 12.4, ông Willard đánh giá việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay sẽ dẫn đến sự thay đối đáng kể về quan niệm cân bằng quyền lực trong khu vực. Tuy nhiên, đô đốc Mỹ xem tác động của tàu sân bay Varyag chỉ mang tính biểu tượng về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ông lập luận rằng Bắc Kinh phải mất một thời gian dài để huấn luyện, phát triển, diễn tập thì con tàu mới có thể đi vào hoạt động chính thức. Tổng biên tập Chang của Tạp chí Kanwa thì cho rằng: "Sau khi chạy thử trên biển, tàu Varyag phải cần ít nhất 8 năm để kiểm tra radar và các loại vũ khí, trong đó có máy bay tác chiến J-15".

Chuyên gia John Pike của webiste phân tích quân sự Globalsecurity.org thì nhận định với Asia Times online rằng chỉ một tàu sân bay không thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Ông Pike lập luận: "Nhiều nước khác như Thái Lan và Brazil cũng có một tàu sân bay nhưng hầu như không tạo được khác biệt gì". Chuyên gia Oliver Brauner tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cũng cho rằng sự xuất hiện tàu sân bay của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự tại eo biển Đài Loan. Bản thân một chuyên gia (giấu tên) tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cũng nhận xét với Global Times: "Dù Trung Quốc có hoàn thiện chiếc tàu sân bay mua từ Ukraine, công nghệ của nó vẫn lạc hậu so với các tàu của các nước khác như Mỹ về phương diện chức năng lẫn trang bị".

---

Lợi thế tàu sân bay

Tàu sân bay là một loại tàu chiến được thiết kế với nhiệm vụ chủ yếu là điều động máy bay tác chiến, có chức năng như một căn cứ không quân trên biển. Do đó, tàu sân bay cho phép một lực lượng hải quân triển khai không lực khắp thế giới mà không phải lệ thuộc vào các căn cứ gần đó. Các tàu sân bay thường được hộ tống bởi nhiều tàu khác trong một hạm đội, cung cấp hậu cần, tăng khả năng phòng thủ cũng như tấn công.

Các nước lớn đã từng sử dụng tàu sân bay trong nhiều cuộc chiến trước đây. Đầu Thế chiến 2, Hải quân Anh có ưu thế do có nhiều tàu sân bay trong khi Đức và Ý không có chiếc nào. Nhật có thể tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng được cho là nhờ có một lực lượng tàu sân bay hiện đại. Vào năm 1982, Anh đã đưa 2 tàu sân bay HMS Hermes và HMS Invincible tham gia cuộc chiến Falklands/Malvinas với Argentina. Nhờ vào lợi thế này, Anh đã chiến thắng trong một cuộc xung đột cách nước này tới 13.000 km. Tàu HMS Hermes được bán cho Ấn Độ vào năm 1986 và nay là tàu sân bay duy nhất của nước này với tên INS Viraat. Tại Thái Bình Dương, tàu USS George Washington của Mỹ luôn xuất hiện tuần tra hoặc tham gia tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi khi các "điểm nóng" tại Hoàng Hải, biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan "dậy sóng".

Theo website chuyên về thông tin hải quân Hazegray.org, hiện có 9 nước có tàu sân bay đang hoạt động, gồm Mỹ (11 tàu), Nga (1), Pháp (1), Anh (1), Brazil (1), Ý (2), Tây Ban Nha (2), Ấn Độ (1), Thái Lan (1).

---

So sánh tàu sân bay Trung Quốc - Mỹ

Tàu Varyag Hãng đóng tàu: Nam Nikolayev Lớp và kiểu: hàng không mẫu hạm lớp Đô đốc Kuznetsov Dài: 291,6m Rộng: 71m Trọng tải: 65.000 tấn Động cơ đẩy: chưa có thông tin về độngcơ mới Tốc độ: 59 km/giờ Hải trình tối đa: 7.130 km Thủy thủ đoàn: 2.500 Máy bay mang theo: 50 máy bay và trực thăng Vũ trang: chưa rõ

Tàu USS George Washington Hãng đóng tàu: Northrop Grumman Shipbuilding Newport News Lớp và kiểu: hàng không mẫu hạm lớp Nimitz Dài: 332,8m Rộng: 76,8m Trọng tải: 104.200 tấn Động cơ đẩy: 2 lò phản ứng hạt nhân WestinghouseA4W, 4 tua-bin hơi nước… Tốc độ: 56 km/giờ Hải trình tối đa: không giới hạn hoặc trong 20 năm Thủy thủ đoàn: 3.200 Máy bay mang theo: 90 Vũ trang: 2 Mk 57 Mod3 Sea Sparrow, 2 RIM-116 Rolling Airframe Missile 3 Phalanx CIWS

Văn Khoa (Báo Thanh Niên, 17.4.2011)

Cảnh báo ở lễ hội đền Hùng

Ảnh: Lưu Quang Phổ

Nếu có sự việc gì đó bùng nổ, một tai nạn trong dòng người chẳng hạn, một thông tin dây chuyền theo kiểu hiệu ứng domino như nổ bom, sụp hầm hố... thì thảm họa giẫm đạp như từng xảy ra tại Campuchia hồi 22.11.2010 năm ngoài làm hơn 350 người chết là hoàn toàn có thể xảy ra tại lễ hội đền Hùng. Chính vì vậy mọi người đừng nên xem thường.


2.4.11

Ai thủ lợi từ cuộc chiến Libya?

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp - Ảnh: AFP


Các chuyên gia quốc tế cho rằng không khó để xác định những nước kiếm lợi từ cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở Libya. Theo chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi Pepe Escobar của báo Asia Times, Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ đã mở đường cho phương Tây và đồng minh bảo vệ một lực lượng vũ trang chống chính phủ. Ông này nhận định ngay cả “con nít” cũng biết rõ mục tiêu của chiến dịch quân sự là nhằm lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Chỉ huy chiến dịch Libya của NATO, trung tướng Charles Bouchard có thể quả quyết rằng sứ mệnh mà khối này vừa chính thức cầm trịch chỉ nhằm bảo vệ thường dân vô tội. Chỉ có điều những “thường dân vô tội” này lại lái xe tăng, bắn súng AK và giao tranh quyết liệt với quân chính phủ. Mặt khác, liên quân cũng chỉ bao gồm 12/28 nước thành viên NATO cộng với Qatar.  Theo các chuyên gia, ít ra cho đến thời điểm này, người ta có thể dễ dàng nhận ra những bên hưởng lợi trong cuộc chiến ở Libya. Đó là Mỹ, NATO, Ả Rập Xê Út, Qatar, Pháp, Anh, các tập đoàn nước ngoài và thậm chí cả al-Qaeda.

Mỹ: Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã liệt kê 3 nước bị cho là “bất hảo” ở Trung Đông và Bắc Phi là Iran, Syria và Libya. Trong chiến dịch lần này, Lầu Năm Góc nhắm vào mắt xích yếu nhất là Libya.  Theo Asia Times, cuộc chiến Libya chính là cuộc vận hành thử nghiệm của Bộ Tư lệnh châu Phi (Africom), vốn được thành lập dưới thời Tổng thống George W.Bush và được chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama củng cố. Đây là cuộc chiến đầu tiên của lực lượng Mỹ mà Africom chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành. Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh này lại đặt tại thành phố Stuttgart (Đức) do không quốc gia châu Phi nào chịu “chứa chấp”. Ngoài Libya, những nước châu Phi bị đặt vào tầm ngắm của Africom còn có Sudan, Bờ Biển Ngà, Eritrea và Zimbabwe.  Horace Campbell, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Syracuse (Mỹ) thì nhận định chiến dịch của Africom “về cơ bản là mặt trận của các nhà thầu quân sự Mỹ như Dincorp, MPRI và KBR đang hoạt động ở châu Phi”. Báo The Times hôm 30.3 dẫn các nguồn tin riêng cho biết Mỹ có thể huy động lực lượng “quân đội tư nhân” này sang Libya để tránh vi phạm cam kết không đưa bộ binh vào cuộc chiến.

NATO: Chiến dịch Libya chính là cơ hội để NATO biến Địa Trung Hải thành “ao nhà”. Đến nay, chỉ còn 3 nước ven Địa Trung Hải chưa là thành viên đầy đủ hoặc nằm trong danh sách đối tác của NATO. Đó là Libya, Li-băng và Syria. Sau Libya, rất có thể Syria là mục tiêu tiếp theo còn Li-băng bị NATO phong tỏa từ năm 2006. 

Ả Rập Xê Út: Nếu ông Gaddafi ra đi, Quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út sẽ bớt được một đối thủ đáng gờm trong khu vực. Theo báo Daily Mail, không lâu trước khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến vào Iraq năm 2003, ông Gaddafi đã tranh cãi nảy lửa với ông Abdullah, khi đó còn là thái tử, tại một hội nghị cấp cao của khối Ả Rập xung quanh tính hợp pháp của cuộc chiến. Ông Abdullah ủng hộ hành động của phương Tây trong khi ông Gaddafi cực lực phản đối. Đến năm 2004, Ả Rập Xê Út tuyên bố phá được một âm mưu ám sát Thái tử Abdullah mà họ cho là có liên quan đến Libya. Chuyên gia Escobar cho biết Ả Rập Xê Út là nước quảng bá mạnh mẽ việc Liên đoàn Ả Rập “nhất trí” kêu gọi thành lập vùng cấm bay trên không phận Libya. Trên thực tế, chỉ 11/22 nước thành viên của tổ chức này tham gia biểu quyết, trong đó có 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh do Ả Rập Xê Út thống lĩnh. Algeria và Syria thì bỏ phiếu chống. Nghĩa là chỉ có 9/22 thành viên Liên đoàn Ả Rập ủng hộ thành lập vùng cấm bay.

Qatar: Quyết định gửi 2 máy bay chiến đấu tham gia thực thi vùng cấm bay ở Libya được đưa ra trong khi Qatar tìm cách tiếp cận nguồn dầu lửa ở miền đông Libya. Việc chính thức công nhận Hội đồng Quốc gia lâm thời do lực lượng chống đối thành lập được Qatar đưa ra một ngày sau khi nước này giành quyền tiếp thị dầu lửa được khai thác ở miền đông Libya, theo Asia Times.

Pháp:Asia Times dẫn lời giới quan sát đánh giá vùng cấm bay là cơ hội để Pháp quảng bá các mẫu máy bay chiến đấu Mirage và Rafale trên thị trường vũ khí thế giới. Ngoài ra, còn phải kể đến sự phẫn nộ của Pháp trước việc ông Gaddafi hủy bỏ các hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale và hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân do nước này thiết kế. Nhiều ý kiến khác cho rằng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn gỡ thể diện sau khi bị chỉ trích là phản ứng chậm và yếu ớt trong vụ chính biến tại Tunisia và Ai Cập cũng như tranh thủ cử tri cho các kỳ bầu cử quan trọng. Pháp là nước đầu tiên công nhận Hội đồng Quốc gia lâm thời của phe chống đối và là nước đầu tiên dội bom xuống Libya.

Anh: Cùng với Pháp, Anh là nước ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập vùng cấm bay ở Libya và khẳng định từ đầu là ông Gaddafi phải ra đi. Theo Daily Mail, 2 nước đã có “hận thù” từ lâu sau khi London cáo buộc Tripoli ủng hộ tài chính và huấn luyện các tay súng thuộc Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Quan trọng hơn phải kể đến vụ đánh bom chiếc máy bay của hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1988 làm 270 người thiệt mạng. Ngoại trưởng vừa đào tẩu của Libya Moussa Koussa, khi đó còn là một lãnh đạo tình báo, bị cáo buộc là người đã vạch kế hoạch đánh bom. Ông Koussa cũng bị coi là mắt xích quan trọng giữa ông Gaddafi và kẻ thực hiện vụ đánh bom tên Abdulbaset Al Megrahi.

Al-Qaeda: Theo báo Telegraph, một thủ lĩnh của phe chống đối ở Libya là Abdel-Hakim al-Hasidi, vốn từng cùng Taliban đánh Mỹ ở Afghanistan, xác nhận rằng ông ta đã chiêu mộ được khoảng 25 “chiến binh tử vì đạo” ở miền đông Libya để đánh Mỹ ở Iraq và một số trong những người này “hiện đang chiến đấu ở thành phố Adjabiya”. Tờ The Washington Post thì đưa tin Mỹ đang tích cực làm rõ thông tin tình báo rằng có sự hiện diện của al-Qaeda giữa các tay súng thuộc quân chống đối ở Libya. Đó là chưa kể nghi ngờ về việc lực lượng chống Chính phủ Libya bán vũ khí cho Hamas và Hezbollah. Trước đó, Tổng thống Idriss Deby của Chad, nước láng giềng phía nam Libya, quả quyết rằng các phần tử có liên hệ với al-Qaeda đã đột nhập nhiều kho vũ khí ở Cyrenaica, miền đông Libya và có thể đã cướp được một số tên lửa đất đối không. Đầu tháng 3, nhóm al-Qaeda ở vùng Maghreb, một chi nhánh của mạng lưới khủng bố khét tiếng, đã lên tiếng ủng hộ lực lượng chống Chính phủ Libya. RIA Novosti dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới của Nga Igor Korotchenko cũng cảnh báo rằng những tên lửa đất đối không MANPADS mà quân đội Libya trang bị cho dân chúng cũng như những vũ khí mà phe chống đối chiếm được có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Các tập đoàn kinh doanh nước: Ít người biết rằng phía đông sa mạc Sahara chứa một bể nước ngầm khổng lồ có tên Hệ thống ngậm nước Nubian Sandstone (NSAS). Các nhà khoa học ước tính rằng trữ lượng nước ngọt của “đại dương ngầm” lớn nhất thế giới này tương đương với lượng nước chảy qua sông Nil trong 200 năm. Có diện tích bề mặt 2 triệu km2, NSAS trải dài qua 4 nước Suadan, Chad, Ai Cập và Libya, trong đó Libya và Ai Cập chiếm phần lớn nhất. Năm 1984, ông Gaddafi chính thức cho khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn nước khổng lồ GMMRP dài 4.000 km để lấy nước từ NSAS. Công trình này được hoàn thành theo từng phần và đến năm 2007, nó đã có thể cung cấp nước ngọt cho Tripoli, Benghazi và toàn bộ khu vực duyên hải của Libya. Theo Asia Times, chi phí xây dựng GMMRP là 25 tỉ USD và ông Gaddafi từng tuyên bố số tiền này hoàn toàn từ ngân sách quốc gia chứ chính phủ không hề vay mượn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới. Giới quan sát cho rằng các tập đoàn nước Veolia, Suez Ondeo và Saur của Pháp, vốn đang kiểm soát 40% thị trường nước ngọt thế giới, rất muốn giành quyền khai thác nguồn tài nguyên chiến lược này của Libya.

Ngoài ra còn phải kể đến các bên nhằm vào trữ lượng dầu khí khổng lồ của Libya. Với nguồn dự trữ 46,5 tỉ thùng, Libya là nền kinh tế dầu mỏ lớn nhất châu Phi, xếp trên Nigeria và Algeria. Tập đoàn dầu mỏ quốc gia (NOC) của Libya nằm trong top 25 trong danh sách 100 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, theo website Globalresearch.ca.

Trùng Quang (Báo Thanh Niên, ngày 3.4.2011)

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1